Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang): Việc không phải chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp làm giảm động lực sử dụng đất có hiệu quả
Đại biểu Trần Văn Lâm bày tỏ sự đồng tình với tờ trình, báo cáo thẩm tra cũng như nhiều ý kiến của các đại biểu về việc kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2025 cho các đối tượng như đề xuất. Theo ông, việc kéo dài thời hạn cho 5 năm tới là hợp lý; vì tới đây, Quốc hội sẽ xem xét sửa Luật Đất đai, trong đó có thể có thay đổi lớn về chính sách đối với đất nông nghiệp.
5 năm tới sẽ là thời gian đánh giá tổng thể chính sách để đưa ra điều chỉnh cần thiết. Việc tiếp tục thực hiện chính sách miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cũng là nguyện vọng của đông đảo cử tri, nhất là nông dân.
Ông Trần Văn Lâm, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang phát biểu thảo luận trực tuyến về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. |
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Văn Lâm đã phân tích, chỉ ra mặt trái của chính sách, đó là việc không phải chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp đã làm giảm động lực sử dụng đất có hiệu quả.
Ông và một số đại biểu cho rằng, hiện nay đất nông nghiệp ở nhiều nơi bị chia nhỏ, manh mún, việc tổ chức sản xuất quy mô hộ gia đình hiệu quả thấp; nhiều chủ hộ nông dân được giao đất, nhưng không còn mặn mà với sản xuất nông nghiệp, thậm chí không còn nhu cầu sử dụng, bỏ hoang hóa đất mà không phải chịu trách nhiệm.
Dù vậy họ vẫn không sẵn sàng giao trả lại đất cho nhà nước hoặc chuyển đổi cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng có hiệu quả hơn. Đất nông nghiệp không được sử dụng hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực quốc gia.
Do vậy, cùng với tiếp tục kéo dài chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp tới năm 2025, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị Chính phủ cần có giải pháp tích cực để khắc phục tình trạng trên; hỗ trợ tích tụ, tập trung ruộng đất; đặt tư liệu sản xuất quan trọng này vào tay đúng người có khả năng sử dụng hiệu quả nhất.
Nói về sự quan tâm, hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân như quan điểm nhất quán trong chủ trương của Đảng và Nhà nước; đại biểu Trần Văn Lâm cũng đề nghị, cùng với chính sách đất đai, miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; Nhà nước, Chính phủ cũng cần quan tâm đầu tư một cách thỏa đáng hơn nữa cho khu vực này, nhất là về hạ tầng.
Vừa qua, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và sự đầu tư ứng phó biến đổi khí hậu ở nhiều địa phương là những hành động cụ thể, thiết thực, hỗ trợ kịp thời. Song so với những thách thức ngày càng lớn và thực tiễn khó khăn của khu vực này thì sự quan tâm đó dường như chưa đủ; chưa tương xứng với tầm quan trọng và những đóng góp của khu vực này với sự phát triển của đất nước. Nhiều nguyện vọng cấp thiết, chính đáng của cử tri nông nghiệp, nông thôn, nông dân vẫn chưa được xem xét, giải quyết thỏa đáng, kịp thời.
Quang cảnh họp trực tuyến tại điểm cầu Bắc Giang. |
Con đường xuống cấp trầm trọng, lần nâng cấp gần đây nhất là năm 2000. Nông dân, cử tri kiến nghị trong thời gian dài nhưng việc giải quyết vẫn dậm chân tại chỗ. Giao thông mùa vải vẫn là nỗi khổ của khu vực nông thôn nơi đây. Bị ùn tắc nghiêm trọng; chi phí sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bị đội lên; khó khăn, thiệt hại cuối cùng vẫn là người nông dân gánh chịu.
“Đây chỉ là ví dụ ở một địa phương nhưng cũng cho thấy trở ngại trong việc chuyển từ chủ trương đúng đắn sang hành động cụ thể. Đề nghị các cấp, các ngành liên quan quan tâm một cách kịp thời, thiết thực, hiệu quả hơn nữa để nông nghiệp, nông thôn, nông dân nước ta tiếp tục phát triển và có sự đóng góp ngày càng tích cực hơn nữa vào công cuộc xây dựng phát triển đất nước”, đại biểu Trần Văn Lâm nói.
Cũng trong buổi chiều, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Tại đây, bà Hà Thị Lan, ĐBQH tỉnh Bắc Giang phát biểu một số nội dung, trong đó đề nghị ban soạn thảo bổ sung cụm từ ở Điều 4, khoản 2 "chấp hành điều lệ của tổ chức thanh niên" sau cụm từ "Hiến pháp và pháp luật"; đưa Điều 6, chương I “Nội dung quản lý nhà nước về thanh niên” về chương V cho phù hợp với nội dung trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, nhà trường, gia đình trong chương này.
Đại biểu Hà Thị Lan phát biểu ý kiến về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) |
Điều 17, tại khoản 2, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “hỗ trợ” sau cụm từ “tạo việc làm”, cụ thể như sau “Tạo điều kiện để thanh niên có việc làm, tạo việc làm, hỗ trợ tại chỗ cho thanh niên ở các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo phù hợp với từng vùng, miền, gắn với từng giai đoạn phát triển của đất nước”.
Theo đại biểu Hà Thị Lan, qua tiếp xúc cử tri tại miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số cho thấy, nhiều chính sách cho thanh niên về lao động, việc làm còn rất khó khăn như khuyến khích, ưu đãi, tạo điều kiện, bảo đảm… mà thiếu các quy định hỗ trợ cụ thể.
Đại biểu Hà Thị Lan cũng đề nghị ban soạn thảo xem xét thêm quy định từ Điều 16 đến Điều 29 Chương III của Dự thảo Luật. Đại biểu cho rằng, một số chính sách cụ thể về các lĩnh vực đã được quy định trong các văn bản pháp luật khác, đối tượng thụ hưởng có thanh niên, nếu quy định vào Luật Thanh niên dễ chồng chéo với các luật khác như: Luật Dạy nghề, Luật Doanh nghiệp, Bộ Luật Lao động, Luật Nghĩa vụ Quân sự.
Chẳng hạn, như khoản 3, Điều 21 Dự thảo quy định “Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an nhân dân được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và các chính sách ưu đãi khác”. Thực tế, chính sách này đã được quy định và đang thực hiện.
Ý kiến bạn đọc (0)