Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang thảo luận về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi)
BẮC GIANG - Tiếp theo chương trình Kỳ họp thứ 9, ngày 26/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra các dự án Luật: Luật Tương trợ tư pháp về hình sự; Luật Tương trợ tư pháp về dân sự. Quốc hội cũng thảo luận ở hội trường về: Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Thảo luận về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) nhấn mạnh, Khoản 6 Điều 7 dự thảo quy định: a) Đối với các địa phương không nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương, mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp; b) Đối với các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương, mức dư nợ vay không vượt quá 80% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp.
![]() |
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà thảo luận tại hội trường. |
Về mức dư nợ vay này, theo Luật hiện hành xác định mức dư nợ của địa phương theo tỷ lệ thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp so với chi thường xuyên; theo dự thảo Luật này, có sửa đổi, bổ sung đó là xác định trên cơ sở địa phương tự cân đối hay chưa tự cân đối, thu gọn 3 nhóm địa phương xuống còn 2 nhóm địa phương, đồng thời nâng mức dư nợ vay so với quy định hiện hành. Đại biểu cho rằng việc việc sửa đổi, bổ sung này là cần thiết và phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển của địa phương trong tình hình mới, theo đó cần mở rộng hơn so với quy định hiện hành, thực tế hiện nay Luật Thủ đô và các Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù đã cho phép nâng mức dư nợ của một số địa phương.
Về nhiệm vụ quyền hạn của HĐND cấp tỉnh, điểm e Khoản 9 Điều 30 bổ sung quy định “HĐND cấp tỉnh được phép ban hành một số khoản thu phí, lệ phí ngoài danh mục của Luật phí và lệ phí đã quy định”. Theo quy định hiện hành, chỉ Quốc hội mới có quyền ban hành và bổ sung, sửa đổi các loại thuế (Chính phủ, chính quyền địa phương không được ban hành chính sách thuế). Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, HĐND cấp tỉnh được phép ban hành mức thu phí, lệ phí trong danh mục của Luật phí và lệ phí đã quy định. Giữa hai kỳ họp Quốc hội, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các loại phí, lệ phí báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Thực tiễn tổ chức thi hành quy định này cho thấy đã không khuyến khích các địa phương có điều kiện có thể mở cơ sở thu, điều chỉnh mức thu để điều tiết hợp lý các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn và tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Thực tế cho thấy, trong quá trình triển khai thực hiện Luật Ngân sách nhà nước đến nay, Quốc hội đã ban hành Luật Thủ đô và một số Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương thí điểm thực hiện ban hành thêm một số khoản phí, lệ phí ngoài danh mục của Luật phí và lệ phí đã quy định… là phù hợp.
Do đó, dự thảo Luật này bổ sung quy định “HĐND cấp tỉnh được phép ban hành một số khoản thu phí, lệ phí ngoài danh mục của Luật phí và lệ phí đã quy định” là rất cần thiết, theo đó trao thêm thẩm quyền cho tất cả các địa phương được chủ động, linh hoạt trong thực hiện chính sách phí, lệ phí, tạo điều kiện cho địa phương có công cụ tăng cường chức năng quản lý nhà nước tại địa bàn, đồng thời có thêm nguồn thu ngân sách; bổ sung nguồn lực cần thiết đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chi của địa phương.
Song để bảo đảm chặt chẽ, tránh ảnh hưởng đến đời sống của người dân, cùng với quy định nêu trên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc của việc ban hành một số khoản thu phí, lệ phí ngoài danh mục của Luật phí và lệ phí; về thẩm quyền quy định về mức thu đối với các khoản phí, lệ phí mới do địa phương ban hành; đồng thời bổ sung điều khoản chuyển tiếp để sửa đổi nội dung này tại Điều 4, Điều 25 Luật phí và lệ phí hiện hành để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Về nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước, theo quy định tại Khoản 11 Điều 8 dự thảo luật bổ sung quy định “Các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước được bố trí từ hai nguồn (chi đầu tư công và chi thường xuyên): Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; chi phí chuẩn bị, phê duyệt dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án…; hoạt động quy hoạch và các nhiệm vụ cần thiết khác”.
Về nội dung này, trong quá trình thẩm tra của Ủy ban Kinh tế tài chính và thảo luận tại Tổ cho thấy có nhiều ý kiến đề nghị không bổ sung quy định nêu trên. Đại biểu cho rằng, việc bổ sung quy định như dự thảo là cần thiết, phù hợp vì: Việc dự thảo Luật quy định cụ thể các nhiệm vụ chi được bố trí từ hai nguồn đầu tư và thường xuyên là phù hợp, thống nhất với các Luật hiện hành (như: Luật đầu tư công, Luật quy hoạch bổ sung sửa đổi...); công tác bố trí vốn thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch (trừ quy hoạch tỉnh) và công tác chuẩn bị đầu tư các dự án được thực hiện từ hai nguồn tạo thuận lợi, linh hoạt cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện; đồng thời làm cơ sở để chính phủ hướng dẫn Luật.
Về phân cấp nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương (Điều 35), dự thảo Luật bổ sung quy định về phân cấp nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để thay đổi căn bản phương thức phân chia so với Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 đối với các khoản thu phân chia (thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng…), theo đó các khoản thu phân chia được quy định cụ thể trong Luật, Chính phủ xây dựng cụ thể tỷ lệ phân chia từng khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, tỷ lệ được ổn định lâu dài để chủ động ngân sách địa phương, trình Quốc hội quyết định.
Về nguyên tắc, phạm vi phân cấp, đại biểu cơ bản đồng ý với ý kiến của Ủy ban Kinh tế tài chính đã nêu trong Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật, đồng thời, đại biểu cho rằng sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, có những địa phương cần phải đánh giá lại phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi để bảo đảm nguồn lực cho địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Về tỷ lệ phân chia, nhất trí với phương án 2, theo đó chỉ quy định trong dự thảo Luật về nguyên tắc, các nguồn thu phân chia, giao Chính phủ xây dựng phương án về tỷ lệ phân chia trình Quốc hội xem xét, quyết định, điều chỉnh nhằm bảo đảm linh hoạt trong việc điều chỉnh tỷ lệ phân chia giữa các nguồn thu phân chia trong trường hợp có biến động lớn hoặc có chênh lệch lớn về số thu, chi ngân sách nhà nước giữa các địa phương, không phải trình Quốc hội sửa Luật.
Về phân cấp nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, các quy định cơ bản kế thừa quy định của Luật Ngân sách nhà nước hiện hành, đồng thời sửa đổi, bổ sung phạm vi lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; bổ sung nội dung chi từ nguồn đầu tư phát triển để đầu tư và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh do Nhà nước đặt hàng.
Về cơ bản, đại biểu nhất trí cao vì quy định này là cần thiết để thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; phù hợp với quy định của Luật công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị bổ sung thêm phạm vi thuộc nhiệm vụ chi trong quy định này đối với hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật nhằm thể chế hóa Nghị quyết 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Về nội dung này, mặc dù ngay tại kỳ họp này Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết 197/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, song rất cần phải được thể chế trong chính Luật này để bảo đảm đầy đủ, đồng bộ cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện.
Khoản 3 Điều 52 dự thảo Luật điều chỉnh thời gian điều chỉnh dự toán trước ngày 15/11 năm hiện hành thành 15/12 năm hiện hành. Thực tế hiện nay nhiều nội dung chi của đơn vị triển khai vào tháng cuối năm, việc quy định cho phép điều chỉnh dự toán trước ngày 15/11 khiến đơn vị gặp khó khăn trong triển khai nhiệm vụ, do đó dự thảo Luật điều chỉnh thời gian điều chỉnh dự toán trước ngày 15/11 năm hiện hành thành 15/12 năm hiện hành là cần thiết và phù hợp.
Ý kiến bạn đọc (0)