Đặc sắc nghệ thuật chạm khắc đình làng
Hình điêu khắc ở đình Phù Lão (Lạng Giang). |
Theo thống kê của Ban Quản lý di tích tỉnh (năm 2016), toàn tỉnh có 280 ngôi đình. Nhiều đình được tạo dựng với quy mô lớn, mỗi đình lại mang nét riêng độc đáo về kiến trúc và chứa đựng các tác phẩm điêu khắc gỗ dân gian đặc sắc, đặc biệt là các hoạt cảnh liên quan đến con người như: Đình Phù Lão (Đào Mỹ, Lạng Giang); đình Lỗ Hạnh (Đông Lỗ, Hiệp Hòa), đình Thổ Hà (Vân Hà, Việt Yên), đình Khả Lý Hạ (Quảng Minh, Việt Yên), đình Cao Thượng (Cao Thượng, Tân Yên), đình Nội Đông (Yên Sơn, Lục Nam), đình Phi Mô (Phi Mô, Lạng Giang)…
Từ thời nhà Mạc (thế kỷ XVI) là mở đầu cho giai đoạn phục hưng nghệ thuật dân gian, đặc biệt là trong chạm khắc đình làng với những hoạt cảnh liên quan đến thiên thần và con người dân dã. Ở đình Lỗ Hạnh, hình người chưa được chạm khắc nhiều và thường đơn lẻ với các nhân vật nữ mặc áo ngắn, ống tay rộng để lộ cánh tay tròn lẳn mềm mại. Ngang lưng thắt bao tết múi trước bụng, đầu khăn buông rủ, áo ngoài không cài khuy để lộ áo trong, váy rộng xòe từng nếp, mặt tay và thân rất giống người nhưng chân lại được thay bằng đuôi cá. Có nhân vật nữ lại mọc cánh ở vai như cánh chim. Nhân vật nam thường cởi trần, đóng khố cưỡi trên mình rồng, dáng vẻ chất phác, hồn hậu… Mô-típ này cũng được thể hiện qua nét chạm khắc hình tiên cưỡi rồng, thiếu nữ cưỡi phượng bay múa ở đình Thổ Hà. Khối hình tuy đơn giản nhưng vẫn lộ sức sống, vẻ mềm mại, gần gũi với đời thường.
Thế kỷ XVII là thời kỳ phát triển đỉnh cao của nghệ thuật chạm khắc trong kiến trúc cổ truyền. Hình tượng con người đã có mặt ở hầu hết kiến trúc đình làng với nhiều đề tài, lĩnh vực bao gồm cả tâm linh và đời thường. Đặc biệt vào nửa cuối thế kỷ XVII, hình tượng cả nam và nữ được thể hiện khá nhiều, tiêu biểu như hình đấu vật, tiên cưỡi rồng được chạm khắc trên bức cốn mê đình Khả Lý Hạ. Ở đình Cao Thượng lại là cảnh sinh hoạt văn hóa dân gian rất chân thực, sinh động, thể hiện qua các bức chạm: Vợ chồng hạnh phúc, trảy hội, uống rượu, bắt hổ, cô gái cưỡi rồng…
Hình điêu khắc ở đình Phù Lão (Lạng Giang). |
Đặc biệt có những mảng chạm đề cập đến tình yêu nam nữ một cách rất táo bạo như ở đình Phù Lão. Trên bẩy gian giữa chạm cảnh múa hát của nam và nữ hoặc biểu diễn xiếc, có hình người cưỡi rồng, hình người múa võ. Trên ván ở đầu bẩy có chạm hình thiếu nữ vén váy trên đầu rồng. Tất cả tạo cho đình Phù Lão một vẻ đẹp riêng và chính sự đa dạng về kiểu thức kiến trúc ấy đã tạo nên giá trị hiếm có của di tích.
Sang thế kỷ XVIII là giai đoạn chín muồi và có sự chững lại của nghệ thuật chạm khắc dân gian về đề tài con người trong kiến trúc đình làng. Mặc dù vẫn có những đề tài bình dị như bức chạm “Mẫu tử”- mẹ bồng con bú ở cốn mê vì nách đình Phi Mô. Bức chạm không chỉ đẹp ở nghệ thuật tạo hình mà còn thể hiện sự cách tân trong tư duy sáng tạo của nghệ nhân xưa. Nó vượt qua khuôn mẫu của tư tưởng Nho giáo, thay vào đó là hình ảnh sinh hoạt rất đời thường của người nông dân Việt Nam. Từ thế kỷ XIX trở đi, nằm trong dòng chảy chung của nghệ thuật chạm khắc đình làng xứ Bắc, đình làng ở Bắc Giang chịu ảnh hưởng rõ nét của kiến trúc quyền quý triều Nguyễn, tính chất giản dị, dân dã đã chuyển dần sang hoa mỹ, phức tạp hơn.
Ngôi đình làng cổ kính với những mảng chạm khắc trang trí đã trở thành một nguồn tư liệu hết sức phong phú, sinh động để chúng ta hiểu hơn về cuộc sống, tâm tư, ước vọng của cha ông xưa. Đó chính là sợi dây gắn kết thế hệ hôm nay với mạch nguồn dân tộc, với những cốt lõi tinh hoa từ ngàn đời.
Bảo Anh
Ý kiến bạn đọc (0)