Cướp cầu - tín ngưỡng độc đáo của cư dân nông nghiệp
Chơi cướp cầu bao giờ cũng có một sân cầu rộng, thường ở trước đình, chùa, mỗi bên có một lỗ cầu kích thước vừa bằng quả cầu. Quả cầu được làm bằng gỗ, hình tròn, màu đỏ, có đường kính khoảng 50-60 cm và sau mỗi trận đấu lại được mang vào thờ tại hậu cung đình làng.
Theo quan niệm dân gian, cầu tròn là biểu tượng của mặt trời, được mang vác, tung từ Đông sang Tây theo hướng mặt trời mọc và lặn. Quả cầu tròn là dương, còn lỗ cầu tượng trưng cho âm, âm dương hòa hợp là mọi người làm ăn phát đạt, vạn sự bình yên và đó cũng là mong muốn của cộng đồng.
Do vậy, cướp cầu là cướp ánh sáng, lấy năng lượng cho lúa khoai tươi tốt, dân an vật thịnh, mang vận may về cho dân làng... Đó là nhu cầu cần thiết, niềm mong mỏi của cư dân nông nghiệp. Sân cầu gồm hai lỗ: Thường một lỗ bên Đông (nơi mặt trời mọc) và một lỗ bên Tây (nơi mặt trời lặn).
Lễ hội vật cầu nước ở làng Vân, xã Vân Hà (Việt Yên) được tổ chức vào tháng 4 âm lịch. Ở Bắc Giang có nhiều nơi duy trì tục cướp cầu nhưng thường là cướp cầu cạn còn cướp cầu nước thì duy chỉ có ở làng Vân. Các quân cầu xuống sân, mỗi bên 8 người. Lễ thánh xong, quân cầu ngồi ăn cỗ trận, sau đó chiêng trống nổi lên ba hồi, các quân cầu xếp hàng di chuyển quanh sân cầu 5 lần vừa đi vừa hô vang "hí hạ, hứ hẹ" tỏ sự vui mừng.
Vật thờ 3 keo xong, ông cai đám gieo cầu vào sân, hai bên xô vào tranh cầu bỏ vào lỗ cầu của đối phương. Vì đền quay hướng Tây nên hai hướng cầu ở phía Bắc và Nam. Trong khi chơi, nếu bên phía Nam thắng là điều tốt lành cho làng. Năm đó sẽ mưa thuận gió hòa, phong đăng hòa cốc.
Tại lễ hội đình Nội, xã Việt Lập (Tân Yên) lại có tục móc Cầu. Dân gian có câu: Đình Nội có hội cướp cầu/ Tháng Giêng mười một đâu đâu cũng về. Theo lệ xưa, trai đinh trong làng được lựa chọn tham gia hội móc cầu gọi là các quân cầu. Các quân cầu được chia làm hai đội trong trang phục truyền thống đứng trang nghiêm tế cầu. Chọn giờ đẹp, quả cầu được rước từ hậu cung ra gian giữa đại đình.
Chủ tế đọc văn tế xin phép tổ chức móc cầu. Quả cầu tròn làm bằng gỗ mít, sơn màu đỏ. Móc cầu được làm bằng thân tre già dài 1,5m, đầu thân có củ tre uốn cong thành móc. Sân được bố trí hai lỗ cầu ở bên Đông và Tây, giữa sân có một lỗ cái. Hai đội chơi đứng xếp xung quanh quả cầu, chủ tế ôm quả cầu hô to bài văn: Năm mới/ Minh thánh đánh cầu/ Quốc mạch hộ giai/ Giai hê, giai hê, giai hê...Các quân cầu hô theo: Thánh cung vạn tuế/ Thánh cung vạn vạn tuế. Chủ tế hô tiếp: Một mùa được/ Hai mùa được/ ba mùa được. Chủ tế dứt lời cũng là lúc quả cầu được tung ra, trọng tài phất cờ ra hiệu lệnh cho hai bên vào tranh cầu. Các quân cầu vạm vỡ, chạy rất khéo léo tìm cách móc được cầu về bên mình.
Lễ hội Tiên Lục (Lạng Giang) vào ngày 18, 19, 20 tháng 3 âm lịch duy trì tục cướp. Quan hội làm lễ tế cầu ở Thảo Xá. Quân cầu mặc áo nâu đỏ đầu chít khăn, thắt đai lưng. Đến giờ quy định các quân cầu tiến ra sân hội quay mặt vào đền lễ Thánh. Ông quan hội đứng trên bậc tam cấp tung cầu, trước khi tung cầu đọc bài chú: “Năm nay tổ chức gieo cầu đầu năm, để phụng thờ thánh, cầu cho quốc thái dân an, cho thiên hạ thái bình, cho nhân khang vật thịnh, cho được mùa khoai, cho sai mùa đỗ, cho lúa đầy bồ, cho dân làng bình an thịnh vượng”. Sau đó quan hội hô lần thứ nhất: Niên minh năm mới đánh cầu cho đinh tài thịnh vượng/ Đầu xuân năm mới đánh cầu cho già sức khỏe bình an/ Đầu xuân năm mới đánh cầu cho nhân khang vật thịnh.
Dứt lời, ông quan hội tung quả cầu lên, quân cầu của hai phe vào tranh nhau. Hai bên xô đẩy để đưa quả cầu về vạch đích phía đối phương. Khi quả cầu tới vạch hay quá vạch đối phương là thắng cuộc. Bên nào thắng cuộc sẽ được giải của làng và theo quan niệm bên đó có một năm may mắn.
Với những ý nghĩa như trên, có thể thấy trò chơi dân gian cướp cầu không chỉ thể hiện tín ngưỡng tâm linh, mong ước cho đời sống no đủ của cư dân lúa nước mà còn mang tính thể thao rèn luyện sức khỏe để lao động sản xuất.
Bài, ảnh: Đồng Ngọc Dưỡng
Ý kiến bạn đọc (0)