Hội cướp cầu đình Nội
Hai đội chơi giành cầu. |
Lễ hội truyền thống xưa được tổ chức quy mô với nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian hấp dẫn. Lễ vật dâng cúng Thánh trong lễ hội được quy định theo hương ước làng. Vật phẩm gồm: Lợn đen tuyền, gà cánh phượng, cây xôi, cây quấn.
Gạo nếp được đồ thành xôi quấn vào những khung tre tạo thành hom có nhiều tầng, xôi trắng quấn vào các hom tre phẳng đẹp. Lớp bên ngoài dùng xôi 5 màu đắp thành hai con rồng chầu mặt nguyệt rực rỡ. Cây quấn thì dùng nhiều vật phẩm khác trong ẩm thực làng quê. Nguyên liệu là bún rối, cá sấy khô, rau diếp đem quấn lại như hình cái nem, đầu nem là cánh cong của lá rau diếp như những bông hoa rồi chất thành tầng từ dưới lên trông giống một tòa tháp xanh rờn. Cây xôi, cây quấn được đặt trên một giá lớn rước ra đình dâng cúng Thánh và được làng chấm thi, trao giải.
Phần hội diễn ra trong không gian rộng với nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: Cướp cầu, đấu vật, chọi gà, đánh đu, hát ca trù, thi làm cỗ... Độc đáo nhất vẫn là trò chơi cướp cầu (gồm cướp cầu móc và cướp cầu chuyền) thu hút nhiều người xem. Đây là hoạt động tín ngưỡng dân gian độc đáo mang tính lễ nghi của lễ hội đình Nội.
Tuy nhiên, trải qua thời gian, việc duy trì những nghi lễ và trò chơi dân gian trong lễ hội này dần mai một. Trong đó, tục cướp cầu móc trong lễ hội nhiều năm không được tổ chức. Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, năm 2017, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ kinh phí cùng nhân dân địa phương khôi phục lại trò chơi cướp cầu móc trong lễ hội đình Nội dịp đầu năm.
Theo lệ xưa, trai đinh trong làng được lựa chọn tham gia hội cướp cầu móc phải to khỏe, phẩm chất tốt, gọi là các quân cầu. Sáng ngày chính hội, các quân cầu được chia làm hai đội trong trang phục, đầu chít khăn, mặc quần áo nâu thắt đai vàng và đai đỏ đứng trang nghiêm trong đình làm lễ tế cầu. Chọn giờ đẹp, quả cầu được rước từ hậu cung ra gian giữa đại đình.
Chủ tế làm lễ đọc văn tế xin phép nhà Thánh cho tổ chức hội thi móc cầu. Quả cầu làm bằng gỗ mít đặc, đường kính khoảng 40cm, sơn màu đỏ luôn để ở trong hậu cung đình. Móc cầu xưa được làm bằng thân tre già nhỏ dài 1,5m, đầu thân tre có củ tre uốn cong thành móc. Nay do không có nhiều tre nên chỉ dùng thân tre nhưng đầu móc cầu được thay bằng sắt uốn cong bịt cao su.
Làm lễ tế cầu xong, chủ tế đặt quả cầu lên kiệu, các quân cầu khiêng kiệu rước cầu ra sân. Nhân dân hò reo theo sau cổ vũ làm không khí rất vui nhộn. Cầu được rước ra sân đặt vào lỗ cái. Sân cầu ở bên cạnh đình được bố trí hai lỗ ở cầu bên Đông và bên Tây, giữa sân có một lỗ cái. Mỗi lỗ cắm một cờ hội đánh dấu. Hai đội chơi đứng xếp xung quanh quả cầu, tay cầm móc để phần móc chạm vào quả cầu, khi chủ tế hô lệnh khởi động, hai đội chơi chạy ba vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ thì dừng lại.
Tiếp đó hai đội xếp thành hai hàng quay mặt vào lỗ cái, móc cầu để phía trước trong tư thế sẵn sàng. Khi chủ tế gieo cầu, trọng tài phất cờ ra hiệu lệnh cho hai bên vào cướp cầu. Theo luật chơi, mỗi khi quả cầu ra ngoài sân hoặc quân cầu phạm quy, chủ tế ra hiệu lệnh bằng tiếng trống "cắc”, các quân cầu dừng lại, quả cầu được đưa vào giữa sân chơi lại từ đầu. Cuộc chơi chỉ có hai keo, cứ thế các quân cầu trổ hết tài trên sân, cho đến khi bên nào kéo được cầu về hố cầu phía mình là thắng cuộc.
Hội cướp cầu đình Nội là sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian trong nghi thức cầu mùa của cư dân nông nghiệp lúa nước, thể hiện sự sùng bái, tôn kính thế giới tự nhiên của người dân địa phương được lưu truyền từ xưa tới nay. Trái cầu tròn là biểu tượng của mặt trời, mặt trăng. Cướp cầu là cướp lấy ánh sáng, là niềm cầu ước cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Trò chơi dân gian này còn mang tính thể thao rèn luyện sức khỏe để lao động sản xuất.
Đồng Ngọc Dưỡng
Ý kiến bạn đọc (0)