Cuối vụ, vải thiều Lục Ngạn rụng quả do sâu đục cuống
Vườn vải sớm trồng theo quy trình Vietgap của gia đình chị Nguyễn Thị Hợi, thôn Đồng Bóng, xã Tân Mộc. Ảnh: VH |
Nhiều vườn vải thiều thất thu
Là tác giả của kỹ thuật cho vải thiều ra quả trên thân cây, anh Trần Văn Hành, thôn Chão Cũ (xã Giáp Sơn) được coi là một trong những người giàu kinh nghiệm trong sản xuất vải thiều. Vụ này, điều kiện thời tiết thuận lợi cộng với kinh nghiệm sẵn có, 2 ha vải thiều của gia đình sẽ cho sản lượng khoảng 25 tấn quả. Thế nhưng khi mới thu hoạch được khoảng 10 tấn thì số còn lại rụng hết. Theo anh, dù đã phun 4 lần thuốc trừ sâu đục cuống nhưng vẫn không tránh khỏi thiệt hại do loại sâu này gây ra. “Ngay sau khi có hiện tượng này, gia đình tôi đã tập trung thu hoạch để tránh thiệt hại song chỉ trong vài ngày, toàn bộ số vải còn lại của gia đình bị rụng, thiệt hại khoảng 100 triệu đồng”, anh Hành chia sẻ.
Tìm hiểu thực tế, hiện tượng rụng quả do sâu đục cuống cũng xảy ra tại nhiều vườn vải khác ở huyện Lục Ngạn, tập trung nhiều ở các xã: Kiên Lao, Kiên Thành, Quý Sơn, Trù Hựu, Hồng Giang, Giáp Sơn… Điển hình như gia đình anh Nguyễn Đức Thắng, thôn Đồng Giao (xã Quý Sơn). Dự kiến với hơn một mẫu trồng vải, gia đình anh sẽ thu được khoảng 10 tấn quả. Song mới thu hoạch được hơn nửa diện tích thì xuất hiện hiện tượng rụng quả do sâu đục cuống. Ở thôn Đồng Giao cũng có gần chục hộ bị thiệt hại như gia đình anh Thắng.
Hiện tượng sâu đục cuống quả vải. |
Đáng chú ý, hiện tượng này không chỉ xảy ra tại những vườn nhỏ của các hộ mà còn xuất hiện, gây hại đối với các hợp tác xã (HTX). Dù có kinh nghiệm chăm sóc vải thiều VietGAP, GlobalGAP, song 12,7 ha của các thành viên HTX sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (gọi tắt là HTX Hồng Xuân), xã Hồng Giang cũng bị thiệt hại. Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc HTX Hồng Xuân cho biết: “Những năm trước, sản phẩm vải thiều của HTX chất lượng rất đồng đều nên tiêu thụ khá thuận lợi. Năm nay, do sâu đục cuống gây hại, không chỉ bị giảm về sản lượng, chúng tôi còn mất thêm thời gian để lựa chọn, loại bỏ những quả kém chất lượng”.
Để giảm thiệt hại do sâu đục cuống, vụ vải năm sau, huyện sẽ yêu cầu các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV cam kết bán hàng bảo đảm chất lượng; phối hợp với các trường đại học, viên nghiên cứu xây dựng lại quy trình chăm sóc vải phù hợp với điều kiện thời tiết, kịp thời hướng dẫn, khuyến cáo để người trồng vải thực hiện”. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn |
Rút kinh nghiệm cho vụ sau
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV), năm nay do ảnh hưởng của thời tiết nên sâu đục cuống quả vải gây hại nhiều và có hiện tượng gối lứa liên tục (mọi năm không gối lứa liên tục). Mặc dù quá trình chăm sóc, cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân tập trung phòng trừ sâu đục cuống và cảnh báo năm nay loại sâu này sẽ gối lứa liên tục.
Tuy vậy, một số hộ dựa vào kinh nghiệm chăm sóc đã bỏ qua khuyến cáo hoặc phun thuốc BVTV không đúng thời điểm, không xử lý hết các lứa sâu đục cuống dẫn đến nhiều vườn vải thiều bị gây hại nặng, làm giảm năng suất. Ông Nguyễn Anh Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết: “Năm nay, thời tiết trong thời điểm thu hoạch vải thiều không thuận lợi, ngày nắng, đêm mưa làm quả vải chín nhanh và kích thích cây ra lộc non. Điều này dẫn đến hiện tượng quả tự rụng, nhất là tại các vườn đã chín mà không kịp thu hoạch. Để làm rõ hơn nguyên nhân của hiện tượng này, ngày 3-7, Chi cục đã phối hợp với một số cơ quan chuyên môn lấy mẫu thuốc BVTV mà người dân đã sử dụng để phân tích, làm rõ chất lượng thuốc”.
Được biết, UBND huyện Lục Ngạn đã yêu cầu cơ quan chuyên môn rà soát, làm rõ nguyên nhân để rút kinh nghiệm cho vụ sau. Qua đánh giá, năm nay, sâu đo phát triển và gây hại ít nên các chủ vườn vải thiều ở Lục Ngạn không phun thuốc trừ đồng loạt. Bởi vậy đến nay sâu đo có điều kiện phát sinh và gây hại với mật độ cao hơn năm trước. Cùng đó, vụ này người dân chủ yếu sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học nhiều. Đây là loại thuốc có độ an toàn cao song thời gian phát huy tác dụng ngắn hơn so với thuốc cùng chủng loại (nguồn gốc hóa học). Vì vậy người dân chủ quan, không phun bổ sung.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn nói: “Để giảm thiểu thiệt hại do sâu đục cuống gây ra, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền về cách phòng trừ, vụ vải thiều năm sau, UBND huyện sẽ yêu cầu toàn bộ các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV ký cam kết bán hàng bảo đảm chất lượng, đồng thời bố trí kinh phí lấy mẫu các loại thuốc để xét nghiệm, phân tích, kiểm định chất lượng. Cùng đó, yêu cầu cơ quan chuyên môn phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu xây dựng lại quy trình chăm sóc vải, đưa ra các quy trình phù hợp với từng điều kiện thời tiết, kịp thời hướng dẫn, khuyến cáo để người trồng vải thực hiện”.
Sơn Quang - Đức Thọ
Ý kiến bạn đọc (0)