Công bố 7 hạng mục Giải Sách hay năm 2020
Đây là giải thưởng độc lập, dân lập đầu tiên của Việt Nam về sách có quy mô rộng nhất hiện nay do các độc giả và chuyên gia bình chọn.
Theo nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn, thành viên Hội đồng xét giải, mùa giải năm 2020 được trao ở 7 hạng mục, gồm: sách ở lĩnh vực nghiên cứu, giáo dục, kinh tế, quản trị, văn học, thiếu nhi và phát hiện mới. “Mỗi cuốn sách đoạt giải, mỗi tựa sách được vinh danh trong mỗi hạng mục, thể loại của Giải Sách hay năm 2020 đều mang thông điệp và giá trị riêng mà mỗi tác giả, dịch giả và các đơn vị xuất bản muốn gửi gắm trong xã hội”, ông Bùi Văn Nam Sơn chia sẻ.
Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn, thành viên Hội đồng xét giải phát biểu tại lễ công bố. |
Sau hơn 5 tháng thẩm định, bình chọn, Hội đồng xét giải đã hoàn tất công tác lựa chọn và tìm ra 15 tựa sách xứng đáng nhất để trao tặng Giải Sách hay năm 2020. Cụ thể, ở hạng mục sách nghiên cứu, Giải Sách hay năm 2020 được trao cho tác phẩm “Làng mạc ở châu thổ sông Hồng” của tác giả Nguyễn Tùng và Nelly Krowolski; dịch phẩm “Sự kiến tạo xã hội về thực tại” của tác giả Peter L. Berger và Thomas Luckmann; dịch giả Trần Hữu Quang và nhóm dịch giả.
Ở hạng mục sách giáo dục, Giải Sách hay được trao cho tác phẩm “Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản” của tác giả Nguyễn Quốc Vương; dịch phẩm “Biện hộ cho một nền Giáo dục Khai phóng” của tác giả Fareed Zakaria; dịch giả Châu Văn Thuận. Giải ở hạng mục sách kinh tế thuộc về tác phẩm “Thần kỳ kinh tế Tây Đức” của tác giả Tôn Thất Thông; dịch phẩm “Sự Giàu và Nghèo của các Dân tộc” của tác giả Davis S. Landes, dịch giả Sơn Phạm và Vũ Hoàng Linh.
Ở hạng mục sách quản trị, Giải Sách hay được trao cho tác phẩm “Lý thuyết trò chơi và ứng dụng trong quản trị - kinh doanh” của tác giả Lê Hồng Nhật; dịch phẩm “Định hình cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” của tác giả Klaus Schwab, dịch giả Nguyễn Vân và Thành Thép. Trao giải ở hạng mục Sách Thiếu nhi cho tác phẩm “Nhật ký của nhóc Alvin siêu quậy” của tác giả Nguyễn Khang Thịnh; dịch phẩm “Hành trình của cá Voi” của tác giả Michael Morpurgo, dịch giả Trần Thị Minh Hiếu.
Hội đồng cũng đã trao Giải Sách hay ở hạng mục sách văn học cho tác phẩm “Bộ sách Từ Dụ Thái Hậu” (gồm Quyển thượng và Quyển hạ) của tác giả Trần Thùy Mai; Dịch phẩm “Chết chịu” của tác giả Céline, dịch giả Dương Tường. Ở hạng mục Sách Phát hiện mới, Hội đồng đã bình chọn tác phẩm bộ sách “Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của Nhà Nguyễn” của tác giả Nguyễn Quốc Trị; dịch phẩm “Vũ Dạ Đàm - Tự truyện Shibusawa Eiichi” của tác giả Shibusawa Eiichi, dịch giả Nguyễn Lương Hải Khôi; dịch phẩm “Những tìm sâu Triết học” của tác giả Ludwig Wittgenstein, dịch giả: Trần Đình Thắng (Đào Thị Hồng Hạnh kiểm sửa).
Vinh dự có tác phẩm “Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản” được bình chọn Giải Sách hay 2020, tác giả Nguyễn Quốc Vương không giấu được niềm tự hào, xúc động. Tác giả Nguyễn Quốc Vương cho biết, không gì vinh dự hơn bằng việc những người cùng nghề (dịch giả, viết sách tự do), những người quan tâm đến sách thật sự, tôn vinh giá trị của sách.
“Cuốn sách này là những suy nghĩ của mình khi đến Nhật Bản du học và quan sát nền giáo dục của hai nước. Nếu xét về sâu xa thì nội dung của sách chỉ mới dừng lại những ý tưởng và cần được triển khai thành các chuyên khảo…”, Nguyễn Quốc Vương chia sẻ.
Tại lễ công bố Giải Sách hay lần thứ X, đông đảo chuyên gia, nhà nghiên cứu và bạn đọc cũng đã giao lưu, trao đổi, chia sẻ chân tình từ nhiều góc nhìn đa chiều, sâu sắc về sách và vai trò quan trọng của sách. Đặc biệt là những thay đổi tích cực về thói quen đọc sách của người Việt trong thập kỷ qua và những ý nghĩa, thông điệp lan tỏa từ những cuốn sách đoạt giải lần này...
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc (0)