Công an tỉnh tiếp nhận Cơ sở cai nghiện ma túy: Không để xáo trộn hoạt động
BẮC GIANG - Theo quy định, từ ngày 1/3/2025, Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Bắc Giang có trụ sở tại xã Ngọc Châu (Tân Yên) được chuyển giao cho Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh quản lý. Tiếp nhận nhiệm vụ mới, các cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng ổn định tổ chức, duy trì hoạt động của cơ sở hiệu quả, giúp người nghiện sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Sau khi tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy từ Sở Nội vụ, Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh nay là đơn vị trực thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh; có con dấu, tài khoản riêng. Cơ sở hiện quản lý, giáo dục, điều trị cho 270 học viên có quyết định của Tòa án nhân dân tỉnh về việc cai nghiện bắt buộc.
![]() |
Các học viên tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh được học, thực hành nghề may. |
Thượng tá Quách Văn Hưng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh thông tin, ngay sau khi tiếp nhận nhiệm vụ chuyển giao, để không gây gián đoạn công tác điều trị, quản lý, giáo dục người cai nghiện, Công an tỉnh đề nghị Sở Nội vụ biệt phái 42 cán bộ, nhân viên đang công tác tại cơ sở thực hiện nhiệm vụ từ ngày 1/3 đến 30/5/2025 hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ lực lượng công an với phương châm “cầm tay chỉ việc, vừa làm vừa học”. Nhờ đó, các cán bộ, chiến sĩ của cơ sở đã tiếp cận nhanh với công việc, không gây xáo trộn hoạt động quản lý, giáo dục, chăm sóc và điều trị cho học viên.
Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát cơ động bố trí 10 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự vòng ngoài tại Cơ sở. Ngay sau khi vào Cơ sở, học viên được cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe ban đầu để xác định mức độ nghiện, lập hồ sơ bệnh án điều trị theo phác đồ quy định. Ban đầu, học viên được tư vấn, hỗ trợ tâm lý, điều trị cắt cơn từ 10 đến 20 ngày, tùy thể trạng từng người và mức độ nghiện. Sau đó, học tập nội quy, quy chế, bố trí vào các tổ, đội với thời gian biểu cụ thể gồm: Học nghề, lao động trị liệu, giáo dục tuyên truyền, văn nghệ thể thao… Cơ sở phối hợp với một số doanh nghiệp tổ chức học nghề tại chỗ giúp tăng cơ hội tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm cho học viên ổn định cuộc sống.
Khi lực lượng công an tiếp nhận Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, Cơ sở được bố trí cán bộ, người lao động lại thành các tổ: Tham mưu - tổng hợp; quản lý học viên và giáo dục dạy nghề; y tế; do Phó Trưởng cơ sở làm Tổ trưởng. Ngoài các nghề như: Làm túi siêu thị, làm mi giả, làm điếu, Cơ sở đã phân công cán bộ phụ trách hướng dẫn học viên học và làm thêm nghề trồng trọt, chăn nuôi. Học viên tự tăng gia, sản xuất có thêm rau và thịt an toàn phục vụ bữa ăn hằng ngày, có thêm nghề để lựa chọn. Việc tổ chức quản lý, giáo dục học viên được thực hiện liên thông trên toàn quốc. Cụ thể, nếu Cơ sở gặp tình trạng quá tải thì Trưởng Cơ sở sẽ báo cáo lên Giám đốc, đề nghị Bộ Công an điều phối. Như vậy, người có quyết định thực hiện cai nghiện bắt buộc đều có thể thực hiện cai nghiện tại Cơ sở mà không phải chờ đợi như trước đây, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Song song với quá trình điều trị, Cơ sở phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật đối với công tác cai nghiện và quản lý sau cai; tư vấn kỹ năng hòa nhập cộng đồng; người cai nghiện gặp thân nhân theo quy định. Đồng thời phân công cán bộ tư vấn, tuyên truyền phòng, chống ma túy; giáo dục phục hồi hành vi nhân cách. Trung tá Nguyễn Đức Hạnh, Trưởng Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh chia sẻ: “Đây là nhiệm vụ mới, ban đầu không tránh khỏi khó khăn. Tại Cơ sở, nhiều hạng mục, phương tiện đã xuống cấp. Song nhờ sự động viên, quan tâm kịp thời của lãnh đạo Phòng, Ban Giám đốc, tư tưởng cán bộ, chiến sĩ ổn định, bảo đảm thực hiện mục tiêu chung nhằm quản lý, giáo dục học viên cai nghiện hiệu quả, sớm tái hòa nhập cộng đồng”.
Thực tiễn cho thấy, cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện luôn là công tác khó khăn, phức tạp. Đây là quá trình giúp người nghiện thoát khỏi sự lệ thuộc vào "nàng tiên nâu" và hỗ trợ người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng, ngăn ngừa tái nghiện. Việc này được triển khai hiệu quả sẽ giúp làm giảm "nguồn cầu", tiết kiệm chi phí cho công tác phòng, chống ma túy, kéo giảm các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật do người nghiện ma túy gây ra.
Việc tiếp nhận nhiệm vụ cai nghiện và quản lý sau cai nghiện không chỉ là hành trình quản lý, hỗ trợ học viên cai nghiện theo một quy trình toàn diện hơn còn mang ý nghĩa chiến lược trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy. Cai nghiện ma túy và quản lý sau cai được thực hiện thống nhất, xuyên suốt, đồng bộ và có hiệu quả góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại các địa phương.
Thời gian tới, để bảo đảm duy trì thông suốt nhiệm vụ, Cơ sở tích cực rà soát tiêu chuẩn chính trị, thẩm tra lý lịch, đề nghị ký hợp đồng lao động với 16 viên chức, người lao động để thực hiện nhiệm vụ quản lý, giáo dục học viên. Trong đó, 11 chỉ tiêu là cán bộ, người lao động hiện đang làm việc tại Cơ sở có nguyện vọng tiếp tục làm việc; 5 chỉ tiêu khác là tuyển mới. Là một trong 11 cán bộ có nguyện vọng ở lại đơn vị, chị Trần Thị Sen, cán bộ tư vấn, giáo dục và hòa nhập cộng đồng chia sẻ: “Tôi có 13 năm làm việc tại đây. Khi biết mình đủ điều kiện, tôi có đơn đề nghị tiếp tục ký hợp đồng lao động với Cơ sở. Tôi sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ chỉ huy đơn vị giao”.
Thông qua việc quản lý, giáo dục học viên cai nghiện ma túy, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tiếp tục nắm bắt tâm tư, tình cảm của người nghiện; đẩy mạnh đấu tranh, phát động phong trào tố giác tội phạm ma túy. Từ đó, triển khai hiệu quả các biện pháp giảm cung, giảm cầu về ma túy, góp phần xây dựng xã hội an toàn, không có tệ nạn.
Ý kiến bạn đọc (0)