Có thể "đóng cửa" các trạm BOT chậm trễ thu phí tự động không dừng
Bộ GTVT cho biết, để đáp ứng tiến độ thu phí không dừng trong năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ này đã đề xuất các giải pháp về mặt pháp lý để tháo gỡ các “nút thắt”.
Trong đó, Bộ GTVT tập trung vào đề xuất sửa đổi Quyết định 07/2017 của Thủ tướng về thu phí không dừng.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đang tập trung giải quyết các vướng mắc để tuyến cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình đưa vào vận hành khai thác trong tháng 5 này. Đối với giai đoạn 2, Tổng cục đã yêu cầu Viettel lập báo cáo tiến độ chi tiết đảm bảo hoàn thành dự án trong năm nay.
Sẽ có chế tài xử phạt phương tiện không dán thẻ mà đi vào làn thu phí tự động không dừng. |
“Tổng cục Đường bộ sẽ thực hiện quyết liệt việc phân luồng giao thông tại các trạm trên QL1 và một số trạm cửa ngõ các thành phố lớn để khuyến khích chủ phương tiện dán thẻ và tham gia dịch vụ, tăng cường hiệu quả của hệ thống. Cùng đó, Bộ GTVT sẽ đẩy nhanh tiến độ đàm phán hợp đồng dịch vụ, lắp đặt thiết bị”, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin.
Theo Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT), để phát huy hiệu quả dự án, điểm quan trọng nhất trong sửa đổi Quyết định 07/2017 lần này là thay vì bắt buộc tất cả các làn thu phí không dừng, sẽ duy trì 1 làn hỗn hợp mỗi chiều lưu thông cho xe chưa kịp dán thẻ hay nạp tiền lưu thông, đến khi đủ điều kiện sẽ chuyển toàn bộ các làn sang thu phí không dừng.
Để giải quyết tình trạng xe không dán thẻ đi vào làn thu phí không dừng, xe nào đi vào làn này sẽ bị phạt theo Nghị định 100/2019.
“Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định, trong trường hợp việc trích chi phí cho dự án thu phí không dừng không đảm bảo tính khả thi theo phương án tài chính, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định việc tiếp tục thu phí tại một số trạm thu phí sau khi hết thời gian thu phí hoàn vốn cho các dự án để hoàn vốn cho dự án ETC”- đại diện Vụ PPP cho hay.
Ngoài ra, Bộ GTVT đề xuất cho phép nhà đầu tư dự án BOT và đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động thoả thuận về đơn vị quản lý trạm thu phí. Thay vì nhà đầu tư dự án BOT bắt buộc phải chuyển giao quyền quản lý, vận hành trạm thu phí cho đơn vị thu phí tự động như đã nêu trong Quyết định 07/2017;
Bổ sung quy định chế tài, bao gồm cả việc dừng thu phí đối với trạm BOT thực hiện việc triển khai ETC không đúng tiến độ yêu cầu.
Đồng thời, đề xuất bổ sung trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc phối hợp, hướng dẫn các nghiệp vụ liên quan đến thanh toán điện tử liên ngân hàng.
“Chủ phương tiện có trách nhiệm nộp tiền vào tài khoản thu phí qua hình thức nộp tiền vào ví điện tử hoặc hình thức khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Dự thảo cũng bổ sung quy định nộp phí điện tử theo tháng, quý”, lãnh đạo Vụ PPP thông tin.
Đối với dự án thu phí không dừng giai đoạn 2, Bộ GTVT cho hay, đã yêu cầu Viettel đến ngày 30/5 phải thành lập được doanh nghiệp dự án để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo, giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam đôn đốc, chịu trách nhiệm về tiến độ này.
Dự án thu phí không dừng gồm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 của dự án được triển khai tại 26 trạm thu phí trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên do Công ty TNHH thu phí tự động VETC thực hiện từ năm 2015. Sau đó, dự án được bổ sung thêm 18 trạm nâng tổng số lên 44 trạm.
Giai đoạn 2 gồm 33 trạm do Tập đoàn Viettel thực hiện. Đến nay, dự án giai đoạn 1 đã cơ bản hoàn thành, đã lắp đặt, vận hành 40/44 trạm, chỉ còn 4 dự án của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam bị vướng.
Theo báo An ninh Thủ đô
Ý kiến bạn đọc (0)