Cô giáo làng sang Lào dạy học
BẮC GIANG - Đang giảng dạy tại Trường Tiểu học Tiên Lục (Lạng Giang), cô giáo Chu Thị Hiệp (SN 1997) sang tỉnh Xay Sổm Bun (Lào) dạy tiếng Việt cho cán bộ lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh bạn. Điều đặc biệt là trước khi sang đây, cô giáo Hiệp chưa hề biết tiếng Lào nhưng vẫn nhận lời chỉ vì mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào mà cô từng biết trên báo chí.
Cô giáo Hiệp tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, được kết nạp vào Đảng năm 23 tuổi. Trở về quê hương Lạng Giang giảng dạy, cô rất tích cực tham gia hoạt động Đoàn, Đội và các cuộc thi tìm hiểu về quê hương, đất nước, lực lượng vũ trang… Khi tỉnh Bắc Giang kết nghĩa với tỉnh Xay Sổm Bun, trong đó có chương trình giảng dạy tiếng Việt cho cán bộ Lào, thấy cô giáo Hiệp luôn năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm cao với công việc, một cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo đã “để mắt” đến và gợi ý cô sang dạy tiếng Việt.
Cô giáo Chu Thị Hiệp. |
Nhắc đến tỉnh Xay Sổm Bun, cô giáo Hiệp chia sẻ đã từng biết đến qua báo chí nhưng sang đó dạy học thì cô chưa từng nghĩ đến bởi “Tôi chưa hề biết một chữ tiếng Lào nào, lại chuẩn bị làm luận văn thạc sĩ nên không có nhiều thời gian. Tuy nhiên, khi biết được mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt - Lào; được các cán bộ ở Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Ngoại vụ và gia đình động viên, sang đó có người phiên dịch, đợt 1 chỉ có 45 ngày nên tôi mạnh dạn nhận lời ” - cô giáo Hiệp tâm sự.
Lần đầu tiên xuất ngoại sang Lào, đến tỉnh Xay Sổm Bun sau hơn 5 tiếng đồng hồ ngồi trên ô tô từ Thủ đô Viêng Chăn, băng qua những cung đường đèo dài tít tắp, nhiều đoạn đất đỏ pha lẫn đá bây, cảm nhận đầu tiên của cô về Xay Sổm Bun là một tỉnh khó khăn và thực tế đây là tỉnh khó khăn nhất nước Lào. Xay Sổm Bun có nền văn hóa phong phú, người dân Lào chủ yếu theo đạo Phật, rất thật thà, giản dị, lối sống đơn giản, không vội vã, dễ gần và vô cùng hiếu khách.
Công việc của cô giáo Hiệp ở Xay Sổm Bun là đào tạo, dạy tiếng Việt cho cán bộ các sở, ban, ngành của tỉnh (60 người). Cô giáo Hiệp kể: “Lãnh đạo tỉnh Xay Sổm Bun rất coi trọng tiếng Việt, tỉnh đặt mục tiêu tất cả cán bộ các sở, ban, ngành phải biết và thông thạo tiếng Việt Nam. Vì vậy các lãnh đạo luôn tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ đi học”. Trong Thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Bắc Giang và tỉnh Xay Sổm Bun, nội dung dạy tiếng Việt sẽ có một phiên dịch tiếng Lào theo sát những giờ lên lớp.
Cô giáo Chu Thị Hiệp tặng đồ dùng học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Xay Sổm Bun. |
Để có một tiết dạy chất lượng, cô giáo Hiệp đã dành nhiều thời gian biên soạn riêng một cuốn học tiếng Việt dành cho người Lào có tựa đề “Xin chào tiếng Việt Nam” bằng cả hai tiếng Việt - Lào. Nhờ có chị gái là trợ thủ đắc lực vì chị cũng dạy tiếng Việt cho cán bộ Trung Quốc của Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn) nên hai chị em thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm dạy, học ngoại ngữ.
Theo cô giáo Hiệp, cái khó của dạy ngôn ngữ tiếng Việt cho cán bộ không chỉ là theo các bài đã biên soạn sẵn hay học theo lối truyền thống mà phải thiết kế, tổ chức các tình huống, trò chơi, các buổi ngoại khóa chứa nội dung bài học. Ví dụ như khi giảng đến bài về món ăn Việt Nam, học xong nội dung bài học đó, học viên sẽ có một buổi thực hành chế biến món ăn Việt, sau đó nêu cách làm và cảm nhận bằng tiếng Việt như mùi vị món ăn thế nào, món ăn đó gồm những nguyên liệu gì, gia vị ra sao, chế biến trong thời gian bao lâu...
Có lần học về món bánh đa - một đặc sản của tỉnh Bắc Giang, cô giáo Hiệp đã nhờ người quen gửi bánh đa từ Bắc Giang sang Xay Sổm Bun để giới thiệu với học viên. Cô cũng thường xuyên khuyến khích học viên làm những món ăn đặc trưng của Việt Nam như: Phở, nem cuốn, bánh chưng… Xác định rõ việc dạy và học ngôn ngữ giống như việc kết nối thế giới lại với nhau nên lúc nào cũng cần phải song hành giữa chất lượng và tình hữu nghị. “Cán bộ Lào học tiếng Việt, giáo viên Việt học tiếng Lào. Mỗi giờ lên lớp, tôi coi như đây là việc trao đổi ngôn ngữ nên cảm thấy rất thoải mái, rất hứng thú”, cô giáo Hiệp nói.
Cô giáo Chu Thị Hiệp giảng dạy tiếng Việt tại tỉnh Xay Sổm Bun. |
Sau chuyến đi Xay Sổm Bun 45 ngày của đợt 1 năm 2023, nhận thấy sự bất tiện khi mình không có “phương tiện” là tiếng Lào để giao tiếp ngay cả những tình huống đơn giản nhất nên khi hoàn thành nhiệm vụ về nước, cô giáo Hiệp quyết định học tiếng Lào. Để tìm được lớp học và thầy dạy chất lượng ở Việt Nam, sau hơn 2 tháng tìm hiểu về các khóa học, cô biết đến thầy giáo Thuth (người Lào) là giảng viên bộ môn Ngôn ngữ và văn hóa Đông Nam Á, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.
Hành trình học tiếng Lào bắt đầu từ đó. Vừa được thầy hỗ trợ, vừa miệt mài tự học, tháng 3/2024, cô giáo Hiệp tiếp tục chuyến công tác thứ hai sang Lào 3 tháng và rất tự tin với vốn tiếng Lào của mình. Cô giáo Hiệp chia sẻ: “Đợt này sang, tôi có thể tự chủ động được các bài dạy của mình. Người phiên dịch có thể yên tâm công việc ở cơ quan, chỉ cần thỉnh thoảng giúp tôi ở những phần học ngữ pháp nâng cao mà thôi”.
Thời gian tới, cô giáo Hiệp sẽ trở lại Xay Sổm Bun tiếp tục hành trình giảng dạy tiếng Việt cho cán bộ các sở, ban, ngành của tỉnh bạn. Hành trình này cũng sẽ khép lại vào năm 2025 theo thỏa thuận hợp tác giữa hai tỉnh. “Nếu không quay lại Lào, không quay lại Xay Sổm Bun nữa thì cô có tiếp tục học tiếng Lào nữa không?” - tôi hỏi. Cô giáo Hiệp tự tin trả lời: "Chắc chắn tôi vẫn sẽ học tiếng Lào. Bởi tôi thấy tình hữu nghị này ngày càng đặc biệt, đặc biệt hơn vì Lào - Việt là anh em, đã là anh em thì cùng một nhà” .
Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)