Chuyện về người bạn đời của Anh hùng Ngô Văn Nhỡ
Cuộc gặp mặt mới đây của cựu chiến binh Lữ đoàn Xe tăng 203 - Quân đoàn 2 (nay là Quân đoàn 12) đón mừng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân truy tặng Đại tá Bùi Văn Tùng, nguyên Chính ủy Lữ đoàn thật đông vui. Ban Tổ chức đã chu đáo mời người thân của chỉ huy đơn vị cùng dự, trong đó có chị Quách Thị Loan, vợ Anh hùng liệt sĩ Ngô Văn Nhỡ.
Tác giả và bà Quách Thị Loan, vợ Anh hùng Ngô Văn Nhỡ. |
Anh hùng Ngô Văn Nhỡ là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Xe tăng 203, dẫn đầu mũi đột kích của Quân đoàn 2 đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Anh đã lẫm liệt hy sinh khi chỉ còn cách đích đến cuối cùng vài nghìn mét, cái đích đến không chỉ của đơn vị anh mà còn là của cả dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài hơn 20 năm vì non sông thống nhất.
Tôi đã được nghe hơn một lần câu chuyện về mối tình của chị Loan - anh Nhỡ. Và hôm nay, tôi lại được nghe qua chính lời tâm tình của chị. Chị sinh năm 1948, đi bộ đội năm 1968, là chiến sĩ E49 Hà Bắc. Tháng 9/1973, anh Nhỡ về phép trước khi vào chiến trường. Cũng thời gian này, anh chị được hai gia đình tổ chức đám cưới. Bảy ngày bên nhau là bảy ngày hạnh phúc, nhưng cũng là những ngày thắc thỏm lo nghĩ về tương lai.
Chiến tranh còn ác liệt, không biết ngày nào kết thúc, liệu anh có lành lặn trở về hay không(?). Thương anh quặn thắt ruột gan. Nhà có bốn anh em trai thì ba người đã ra trận, hai người là liệt sĩ. Chú ba Ngô Văn Hảo hy sinh năm 1968, chưa kịp lập gia đình. Anh cả Ngô Văn Đồng cũng hy sinh năm 1973, chỉ để lại một mụn con gái.
Anh Nhỡ là con thứ hai, mới cưới vợ lại sắp vào chiến trường nên các cụ mong có đứa cháu trai nối dõi tông đường lắm. Sau khi anh Nhỡ hết phép mà con dâu chưa đậu quả, cụ Ngô Văn Lẫm - bố chồng chị quyết tâm động viên con dâu vào Nam thăm chồng, bao giờ “có kết quả” hãy về. Cụ bán con trâu lấy tiền lộ phí, gửi chị theo xe của đơn vị anh ra Bắc công tác trở vào Quảng Trị. Thế là đầu năm 1974, chị lên đường với niềm vui sẽ được gặp anh…
Tại chiến trưởng Cửa Việt (Quảng Trị), chị Loan - anh Nhỡ được đơn vị bố trí “Nhà hạnh phúc” ở hầm hội trường. Ông trời không phụ công người hiền thục, lúc chị Loan trở ra Bắc, một sinh linh bé nhỏ đã hình thành. Anh dặn, nếu đẻ con trai thì đặt tên là Việt, con gái tên Hà để kỷ niệm mảnh đất Cửa Việt, Đông Hà đã gắn bó với đời quân ngũ và tình vợ chồng của anh chị.
Cái mầm sống ấy cứ lớn dần lên khi anh cùng đơn vị rong ruổi dọc miền Duyên hải cho đến Chiến dịch Hồ Chí Minh. Chị sinh cháu Việt được 1 tháng 20 ngày thì quân ta giải phóng Sài Gòn. Cả nhà hồi hộp chờ tin anh với niềm hy vọng và nỗi lo thắt ruột. Rồi tin dữ đến vào buổi trưa, lúc chị đang ăn cơm.
Nghe tin, chị rụng rời chân tay. Từ đó, chị sống trong niềm an ủi là đứa con trai khôi ngô giống anh như tạc cứ ngày một lớn dần. Ngô Văn Việt nay đã có việc làm, thu nhập ổn định. Vợ chồng cháu có hai con nhỏ. Các cháu đang về quê xây nhà. Những năm qua, chị Loan tìm niềm vui trong công việc và hoạt động xã hội, sinh hoạt trong Câu lạc bộ thơ Hương Quê.
Trong dòng cảm xúc của buổi gặp mặt và câu chuyện vừa nghe, tôi kể cho chị chuyện đám cưới tôi vắng chú rể. Ấy là năm 1979, từ nơi đóng quân tôi được đơn vị cử về Hà Nội tập huấn đánh máy bay địch và tranh thủ cưới vợ. Tranh thủ ba ngày trước khi vào lớp tập huấn, gia đình làm các thủ tục xin cưới... Do nhà gái ở Phú Thọ cách nhà trai 120 cây số, lớp tập huấn liên tục, kết thúc tôi phải về ngay đơn vị nên đám cưới... vắng chú rể. Nửa năm sau, vợ tôi lặn lội lên đơn vị thăm, hai vợ chồng ở với nhau hơn mười ngày rồi có thằng cu.
Câu chuyện của mỗi người khiến hai chị em gần gũi, quý mến nhau hơn. Cuối buổi gặp mặt, chị nắm chặt tay tôi tha thiết: Nhớ về chơi với chị nhé, nhà ở xã Đức Thắng, nay là thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa. Vâng, nhất định tôi sẽ về thăm chị, về Bắc Giang, nơi chúng tôi từng chiến đấu bảo vệ vùng trời những ngày đánh máy bay Mỹ.
Nguyễn Năng Lực
Ý kiến bạn đọc (0)