Chuyện những người mang máu hiếm
Gọi là có mặt
Tôi quen anh Thân Ngọc Trọng (SN 1980) trú tại xã Tăng Tiến (Việt Yên) từ lâu bởi anh là gương mặt quen thuộc trong lễ tôn vinh người hiến máu tiêu biểu các cấp. Tuy nhiên, gần đây, qua giới thiệu của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, tôi biết anh Trọng là một trong số ít người có nhóm máu hiếm tại địa phương. Anh cũng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Nhóm máu hiếm của tỉnh.
Người mang nhóm máu hiếm hãy tham gia các CLB máu hiếm để chia sẻ với cộng đồng và giúp chính mình. |
Hơn 10 năm qua, anh đã 23 lần tham gia hiến máu tập trung, còn số lần hiến máu cấp cứu thì không thể kể hết. Anh chia sẻ: “Hễ nhận được thông tin từ các bệnh viện về trường hợp có người thuộc nhóm máu hiếm đang cấp cứu là tôi có mặt ngay. Tôi nghĩ số người có nhóm máu hiếm đã ít, lại chỉ những người cùng nhóm máu như mình mới cứu được nhau nên nếu sức khỏe bảo đảm thì tôi cố gắng giúp".
Anh Trọng nhớ mãi lần đầu mình tình nguyện sẻ chia giọt hồng. Đó là năm 2008, khi Viện Huyết học và Truyền máu (HHTM) T.Ư liên lạc nhờ anh cho máu một cháu bé 4 tuổi ở Hải Phòng đang nguy kịch do bị tai nạn. Không do dự, anh vội gác lại công việc để lên đường. Rất may sau khi được truyền máu, cháu bé đã vượt qua “cửa tử”. “Lúc ấy vào buổi trưa, vì đi gấp nên hiến máu xong mới nhớ ra mình chưa kịp ăn gì. Khi biết cháu bé không còn nguy hiểm, tôi mua chiếc bánh mỳ ăn tạm rồi bắt xe khách về tiếp tục công việc”, anh Trọng kể.
Với chị N.T.Y ở TP Bắc Giang, có lẽ không bao giờ chị quên ngày được một người bạn làm việc tại Viện HHTM T.Ư thông báo mình thuộc nhóm máu hiếm. Thời điểm năm 1999, khi khái niệm về máu hiếm còn khá mới mẻ, chị Y đã rất sốc và nghĩ mình đang mắc bệnh.
Nhưng được bạn bè trong ngành y giải thích, rồi tìm hiểu qua sách báo, chị đã suy nghĩ tích cực. Từ đó, không chỉ tự chăm sóc bản thân, chị Y còn là thành viên tích cực của CLB Nhóm máu hiếm Bắc Giang với 25 lần hiến máu cứu người, trong đó có 10 lần hiến máu cấp cứu.
Anh Thân Ngọc Trọng, Chủ nhiệm CLB Nhóm máu hiếm tỉnh hiến máu tình nguyện. |
Lần hiến máu mà chị nhớ mãi là vào năm 2011, khi chị vừa sinh bé thứ hai được hơn 2 tháng. Thấy số máy của cô bạn là Chủ nhiệm CLB máu hiếm ở Hà Nội gọi đến, chị Y vội nghe. Đầu bên kia, giọng cô bạn rất gấp gáp, chị chỉ kịp hiểu là có sản phụ ở Đà Lạt bị băng huyết cần truyền máu A (Rh-) khẩn cấp. Cô bạn hỏi chị liệu có đi được không thì chị không chút đắn đo, trả lời “Đi chứ!”.
Hễ nhận được thông tin từ các bệnh viện về trường hợp có người thuộc nhóm máu hiếm đang cấp cứu là tôi có mặt ngay. Tôi nghĩ số người có nhóm máu hiếm đã ít, lại chỉ những người cùng nhóm máu mới cứu được nhau nên nếu sức khỏe bảo đảm, chẳng có lý do gì mà không giúp”. Anh Thân Ngọc Trọng, Chủ nhiệm CLB Nhóm máu hiếm Bắc Giang. |
Vậy là chị Y cùng cô bạn kia và hai người nữa đều thuộc nhóm máu hiếm đặt vé máy bay rồi có mặt ở Đà Lạt ngay tối hôm đó, kịp thời hiến máu và cứu được sản phụ. “Chuyến đi đó, tôi không dám nói với gia đình là đi đâu mà chỉ bảo có việc gấp, rất quan trọng bởi chắc chắn người thân sẽ không cho đi khi con còn nhỏ quá. Nhiều người khi biết cũng bảo mình hâm, chỉ lo chuyện thiện hạ, lại còn tự bỏ tiền lo chi phí đi lại. Nhưng tôi lại nghĩ khác, nhiều khi còn không biết chính xác bệnh nhân cần máu là ai, bị bệnh gì nhưng chỉ cần biết nhờ máu của mình mà họ được cứu sống là vui rồi", chị Y tâm sự.
Trò chuyện với những thành viên CLB Nhóm máu hiếm của tỉnh, tôi có chung cảm nhận về tấm lòng nhân ái, sự sẻ chia vô điều kiện mà họ mang đến cho những người không may. Dù mỗi người có một hoàn cảnh, công việc khác nhau hay cách xa đến hàng trăm km nhưng khi biết có người cần là họ có mặt với hy vọng giúp đỡ người bệnh.
Gắn kết để sẻ chia
Chị P.T.H ở Yên Thế nhớ lại ngày chị sinh con đầu lòng, do chưa biết mình mang nhóm máu hiếm nên không có sự chuẩn bị trước. Ca sinh khó, mất hơn một ngày em bé mới chào đời nhưng vẫn rất may mắn là mọi việc đều suôn sẻ. Sau khi thông báo về nhóm máu hiếm B (Rh-), bác sĩ tư vấn, dặn dò chị nhiều lưu ý “sống còn”.
Đặc biệt, khi sinh con thứ hai, mọi chuyện sẽ phức tạp hơn và chị cần lo trước nhiều thứ, nhất là nhờ người hỗ trợ về máu trong trường hợp cần thiết. Chị H cho biết: “Thông qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh, tôi biết và tham gia CLB Nhóm máu hiếm của tỉnh. Các anh chị em coi nhau như người thân trong gia đình. Chúng tôi xác định sẽ trở thành người thân, cùng giúp đỡ nhau nếu chẳng may gặp rủi ro”.
Trong một lần hiến máu tình nguyện mới đây, tôi có dịp trò chuyện với Phạm Thùy L, cô gái vừa bước sang tuổi 21, quê ở Lục Ngạn. Biết cô mang nhóm máu hiếm, tôi hỏi: “Lúc biết mình thuộc nhóm máu hiếm, em có lo lắng không?”.
Linh trả lời có chút ngại ngùng: “Không chỉ lo đâu, em còn rất hoang mang vì nghe nhiều người nói, con gái thuộc nhóm máu này thì khó lấy chồng và không thể sinh con được”. Sau này, được những người có chuyên môn về y học giải thích cùng nhiều tài liệu khoa học, L. hiểu phụ nữ có nhóm máu hiếm vẫn có thể làm mẹ bình thường nếu điều trị đúng phác đồ.
Lý giải về những lo lắng này, bà Chu Thị Thúy, Kỹ thuật viên trưởng Khoa Huyết học - Truyền máu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Mỗi người được đặc trưng bằng một nhóm máu. Hiện có tất cả 4 nhóm máu: A, B, O và AB; mỗi nhóm này sẽ có kháng nguyên Rhesus (Rh) gồm Rh+ hoặc Rh-. Ở Việt Nam, nhóm máu có kháng nguyên Rh- rất ít gặp, chỉ chiếm tỷ lệ từ 0,04% đến 0,07% dân số, thường được gọi là nhóm máu hiếm.
Đặc điểm của Rh- là có thể truyền máu cho người có nhóm Rh+ hoặc Rh- nhưng chỉ nhận được máu Rh-. Nếu truyền nhầm nhóm máu sẽ xảy ra hiện tượng tan máu (phản ứng loại trừ nhau) gây sốc, suy thận, trụy tim mạch, thậm chí tử vong. “Những bệnh nhân đang trong tình trạng cấp cứu cần truyền máu thường đã rất khó khăn, nhưng nếu bệnh nhân mang dòng máu hiếm Rh- thì sẽ càng nguy kịch hơn. Bởi hiện nay, các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện đều không dự trữ loại máu có kháng nguyên Rh, nguồn từ Viện HHTM T.Ư cũng rất khan hiếm”, bà Thúy nói thêm.
Với các bạn nữ, nếu thuộc nhóm máu hiếm thì vấn đề bảo vệ sức khỏe càng cần phải quan tâm hơn bởi phụ nữ sẽ phải thực hiện thiên chức làm mẹ với nhiều rủi ro trong thai kỳ và lúc sinh. Theo phân tích khoa học, người mẹ có nhóm máu Rh- vẫn có thể sinh con bình thường, tuy nhiên nếu mang thai con có nhóm máu Rh+ thì sẽ sinh ra kháng thể chống lại Rh+, có thể gây các tai biến như sẩy thai, tan máu ở trẻ sơ sinh.
Từ kinh nghiệm của bản thân, chị N.T.Y đưa ra lời khuyên: “Biết mình mang nhóm máu hiếm mà giấu thông tin chính là sai lầm có thể làm hại chính mình. Đừng lo lắng quá, các bạn hãy tìm hiểu về nhóm máu của mình, sau đó tham gia vào cộng đồng những người có dòng máu đặc biệt. Bởi khi chúng ta không may gặp rủi ro thì họ sẽ chính là người có thể cứu giúp bạn. Với những chị em mang thai thì cần khám định kỳ, thông báo với cơ sở y tế về nhóm máu của mình để được tư vấn các phác đồ phù hợp”.
Với mong muốn gắn kết dòng máu hiếm để trợ giúp nhau và giúp chính mình, CLB Nhóm máu hiếm tỉnh được thành lập từ năm 2015. Ban đầu có 15 thành viên, đến nay đã có 28 người tham gia. Hầu hết các thông tin kêu gọi hiến máu được ban quản lý CLB cập nhật trên các trang facebook, zalo giúp các thành viên nhanh chóng liên hệ để cứu người trong trường hợp khẩn cấp.
Qua những câu chuyện của những người sẵn sàng sẻ chia giọt máu hiếm, chúng tôi hiểu, việc phát triển thành viên CLB Nhóm máu hiếm là cực kỳ cần thiết. Bởi với tỷ lệ người mang trong người dòng máu hiếm quá nhỏ lại không có nguồn dự trữ thì chỉ khi đội ngũ này sẵn sàng cho đi thì những người không may gặp rủi ro mới có cơ hội được cứu chữa. Chia tay những "người hùng thầm lặng", chúng tôi mong CLB Nhóm máu hiếm tỉnh ngày càng lớn mạnh, gắn kết với nhau chặt chẽ hơn để cùng sẻ chia những giọt máu nghĩa tình.
Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)