Chuyển đổi số trong lực lượng công an: Thông điệp hướng về người dân, doanh nghiệp
BẮC GIANG - Với mục tiêu "lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ", lực lượng Công an tỉnh với vai trò thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh đã tiên phong triển khai hàng loạt phần việc. Từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân (CCCD), định danh điện tử được cung cấp, người dân và doanh nghiệp thụ hưởng nhiều tiện ích ngày càng tốt hơn.
Đẩy mạnh kích hoạt định danh điện tử
Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của tỉnh, Công an tỉnh thể hiện vai trò tiên phong trong tổ chức thực hiện.
Cán bộ Công an huyện Sơn Động đến nhà người dân thu nhận hồ sơ cấp căn cước. |
Để giúp người dân sử dụng những tiện ích về công nghệ thông tin đòi hỏi phải có CCCD gắn chíp, tài khoản định danh điện tử VNeID mức 2... Từ đầu năm 2021, công an các đơn vị, địa phương đồng loạt ra quân thu nhận hồ sơ triển khai cấp CCCD gắn chíp điện tử. Thượng tá Nguyễn Việt Dũng, Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) thông tin: “Nhằm bảo đảm tiến độ cấp CCCD gắn chíp và thu thập dữ liệu dân cư, các cán bộ, chiến sĩ đã rất nỗ lực, cố gắng triển khai. Có thời điểm chúng tôi làm ngày, làm đêm, không kể ngày nghỉ, giờ nghỉ, lễ, Tết. Làm tại trụ sở chưa hết còn thành lập các tổ lưu động làm tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học, địa bàn dân cư”.
Được biết, nhiều địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, điều kiện địa hình và giao thông khó khăn, cán bộ, chiến sĩ mang theo thiết bị, máy móc đi bộ đến từng nhà hỗ trợ những người yếu thế (cao tuổi, khuyết tật, bệnh nhân nặng…) để thu nhận hồ sơ. Khi được Bộ Công an cấp thẻ, lực lượng còn phối hợp gửi về tận nơi cư trú cho người dân.
Toàn tỉnh đã cấp hơn 1,6 triệu CCCD cho tất cả công dân trên 14 tuổi; kích hoạt hơn 1,3 triệu tài khoản điện thoại di động, đạt 100% trường hợp đủ điều kiện. |
Khắc phục tình trạng công dân không có số điện thoại chính chủ, Công an tỉnh phối hợp với các nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông để kiểm tra, đối chiếu và xác minh thông tin chủ sở hữu số điện thoại. Thông báo rộng rãi, đề nghị công dân đến cơ quan công an để được hướng dẫn điều chỉnh, gắn số điện thoại với tài khoản định danh điện tử, qua đó đăng nhập, sử dụng dịch vụ công. Đến nay toàn tỉnh đã cấp hơn 1,6 triệu CCCD cho 100% công dân trên 14 tuổi; kích hoạt hơn 1,3 triệu tài khoản điện thoại di động, đạt 100% trường hợp đủ điều kiện. Rà soát tàng thư, đồng thời kiểm tra cư trú đối với toàn bộ hộ thường trú; kịp thời điều chỉnh, khắc phục các sai sót, bảo đảm dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống”.
Triển khai hàng loạt tiện ích
Với vai trò là đơn vị tiên phong trong thực hiện Đề án 06, Công an tỉnh đã bãi bỏ, giảm bớt nhiều thủ tục hành chính (TTHC) để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Năm 2022, Công an tỉnh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất Bộ Công an hoàn thành kết nối bộ phận một cửa của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (là 1 trong 10 tỉnh, TP đầu tiên của cả nước thực hiện kết nối). Do đó, khi giải quyết TTHC cho công dân, cán bộ có thể tra cứu trực tiếp thông tin cư trú, không yêu cầu công dân xuất trình thêm bất cứ một loại giấy tờ gì. Điều này giúp triển khai Luật Cư trú 2020 trên địa bàn được bảo đảm, hoàn toàn bỏ sổ sộ khẩu giấy, sổ tạm trú sau ngày 31/12/2022.
Cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội hướng dẫn học sinh đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên điện thoại thông minh. |
Khi làm thủ tục khai báo tạm vắng, đăng ký lưu trú, chủ các cơ sở kinh doanh lưu trú, nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, nhà cho thuê trọ và người dân không phải đến cơ quan chức năng như trước. Ông Dương Văn Bình, chủ một cơ sở kinh doanh nhà trọ lớn tại phường Nội Hoàng (TP Bắc Giang) cho biết: “Chỉ cần quét mã thông báo, phần mềm lưu trú được kết nối trực tiếp đến hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cập nhật ngay thông tin đăng ký lưu trú, gửi đến cơ quan công an. Qua đó giúp cơ sở kinh doanh và cơ quan quản lý nhà nước giảm thời gian, chi phí đi lại, tiết giảm quy trình lưu trữ hồ sơ, giấy tờ”.
Một tiện ích nổi bật là toàn tỉnh đã lắp đặt, kết nối, vận hành đưa vào sử dụng 1.305 camera thông minh, camera giao thông và camera an ninh tại 10 huyện, thị xã, TP. Qua khai thác hệ thống camera giúp lực lượng công an điều tra, giải quyết 470 vụ việc về an ninh trật tự; thông báo xử phạt “nguội” đến 40.817 trường hợp vi phạm, xử phạt 10.106 trường hợp với tổng mức phạt 32,14 tỷ đồng. Hệ thống camera còn tạo cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ mục tiêu trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Công an tỉnh đã triển khai cấp hộ chiếu qua Cổng dịch vụ công quốc gia; đăng ký xe lần đầu qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Không chỉ trong lĩnh vực hoạt động của mình, Công an tỉnh phối hợp, hướng dẫn các sở, ban, ngành và chính quyền cơ sở triển khai đồng bộ các nhiệm vụ thuộc Đề án 06, đặc biệt trong lĩnh vực hành chính công và dịch vụ công trực tuyến. Hiện đã tích hợp 25/25 dịch vụ công thiết yếu lên Cổng dịch vụ công quốc gia, hoàn thiện 36 dịch vụ công trực tuyến không sử dụng hồ sơ giấy. Từ đó, người dân có thể ứng dụng trong giao dịch ngân hàng; triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, khám, chữa bệnh; nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp an sinh xã hội hằng tháng qua tài khoản. Người dân dần có thói quen giải quyết TTHC thông qua môi trường mạng, tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Những nỗ lực của lực lượng Công an tỉnh trong thực hiện Đề án 06 đã cắt giảm nhiều khâu, cải thiện chất lượng giải quyết TTHC, không những giúp giảm thời gian đi lại, công sức, tiền bạc của người dân, doanh nghiệp mà còn nâng cao sự hài lòng đối với cơ quan hành chính nhà nước tại tỉnh.
Ý kiến bạn đọc (0)