Chuyển đổi đất trồng lúa: Bám sát quy định, tránh phát sinh hệ lụy
Thay đổi tư duy, thu về thành quả
Cùng cán bộ khuyến nông xã Trường Sơn (Lục Nam) thăm thôn Tân Thành, chúng tôi chứng kiến sự thay da đổi thịt của địa phương trước đây có số hộ nghèo chiếm khoảng 50%. Dọc tuyến đường trục chính, những vườn bưởi, hồng xiêm sai trĩu quả, nhiều ngôi nhà khang trang được xây dựng giữa những vườn cây cho thấy cuộc sống ấm no của đồng bào.
Anh Nguyễn Văn Hải, thôn Tân Thành, xã Trường Sơn (ngoài cùng bên phải) chuyển đổi từ trồng lúa sang hồng xiêm. |
Thăm vườn hồng xiêm của gia đình anh Nguyễn Văn Hải được biết, trước đây trên diện tích đất 2 sào, mỗi năm anh chỉ cấy được một vụ song năng suất thấp do không chủ động được nước tưới. Để nâng cao giá trị kinh tế, năm 2016, anh chuyển đổi toàn bộ diện tích này sang trồng cây hồng xiêm. Đến nay, cây bắt đầu cho thu hoạch đạt 6 tạ/sào/năm và sẽ tăng trong những năm tiếp theo. Hiện với giá bán bình quân 30 nghìn đồng/kg, trừ chi phí thu lãi hơn 15 triệu đồng/sào.
Ông Nguyễn Ngọc Châu, Trưởng thôn Tân Thành chia sẻ: “Phần lớn diện tích đất nông nghiệp của thôn chỉ cấy được một vụ, nhiều diện tích phụ thuộc vào nước trời, hiệu quả thấp. Từ năm 2013, một số hộ tiên phong chuyển sang trồng bưởi, mang lại hiệu quả tích cực nên nhiều người làm theo. Đến nay với gần 30 ha đã được chuyển đổi, thu nhập trên đơn vị diện tích được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo của thôn giảm chỉ còn hơn 5%”.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh chuyển đổi hơn 7,4 nghìn ha đất cấy lúa sang trồng các loại cây hằng năm, cây lâu năm và nuôi thủy sản. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích từ 5-7 lần so với trồng lúa. Đặc biệt một số địa phương đã chỉ đạo chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, cây rau màu có giá trị kinh tế cao cho thu nhập gấp 10 lần so với trồng lúa.
Ghi nhận tại xã Hợp Đức (Tân Yên) cho thấy, toàn xã đã chuyển đổi hơn 100 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, chủ yếu là ổi, vú sữa. Theo tính toán của người dân, thu nhập từ trồng cây ăn quả đạt gần 30 triệu đồng/sào/năm, cao gấp 10 lần so với trồng lúa. Tương tự, tại xã Nghĩa Phương (Lục Nam), trong tổng diện tích hơn 400 ha trồng na của xã có đến hơn 300 ha được chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả, một vụ không ăn chắc.
Ông Đinh Văn Khải, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phương cho biết: “Hiện có một số thôn trong xã đã chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng lúa sang trồng cây na. Với thu nhập bình quân hơn 20 triệu đồng/sào/năm, trồng na mang lại nguồn thu lớn cho người dân địa phương”.
Quản lý tốt diện tích chuyển đổi
Thực tế việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng trên một đơn vị diện tích nhưng vẫn bảo đảm giữ nguyên mục đích sử dụng là đất trồng lúa. Cùng đó nâng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích để cân bằng sự phát triển giữa các địa phương trong tỉnh.
Do vậy, việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác, khi cần thiết có thể trở về đất trồng lúa một cách dễ dàng, nâng cao giá trị sử dụng đất là việc cần khuyến khích. Tuy nhiên hầu hết các tổ chức, cá nhân chưa thực hiện đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Đơn cử như tại xã Trường Sơn (Lục Nam), 505 trường hợp tự ý chuyển đổi gần 460 nghìn m2 đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm chưa làm các thủ tục, trong đó có 69 trường hợp không nằm trong quy hoạch sử dụng đất cây lâu năm, vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hay như xã An Bá (Sơn Động) cũng có 86 trường hợp tự ý chuyển đổi 5 ha đất trồng lúa sang trồng các loại cây trồng khác.
Ông Hoàng Như Hậu, Chủ tịch UBND xã An Bá cho biết: “Với 83 trường hợp trồng cây ăn quả, chúng tôi đã yêu cầu giữ nguyên hiện trạng để hoàn thiện hồ sơ quản lý. Riêng 3 trường hợp còn lại tự ý trồng keo trên đất trồng lúa, địa phương đã yêu cầu khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng ban đầu để chuyển sang trồng màu”.
Giai đoạn 2021-2022, toàn tỉnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích 6.519 ha đất trồng lúa, trong đó cây lâu năm là 6.033 ha, còn lại trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản. Diện tích chuyển đổi tập trung ở các huyện: Lục Ngạn (2.607 ha), Lục Nam (1.470 ha), Tân Yên (1.273 ha), Yên Thế (252 ha)… |
Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2022, toàn tỉnh sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích 6.519 ha đất trồng lúa, trong đó cây lâu năm là 6.033 ha, còn lại trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản.
Để việc chuyển đổi đúng quy định, trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, các huyện, TP rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phù hợp với địa phương.
Trong đó khuyến khích các hình thức tập trung tích tụ ruộng đất tại các vùng chuyển đổi để sản xuất có hiệu quả. Ở những vùng đã chuyển đổi, cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương triển khai hỗ trợ, đưa các mô hình sản xuất mới vào triển khai; xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hình thức hợp đồng liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã.
Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Cùng với hướng dẫn, kiểm tra việc chuyển đổi tại các địa phương, ngành xác định 151 vùng sản xuất lúa tập trung với tổng diện tích hơn 42,1 nghìn ha đất trồng lúa 2 vụ cần bảo vệ nghiêm ngặt. Để việc chuyển đổi đúng quy định của pháp luật và kế hoạch của tỉnh, UBND các địa phương cần rà soát, chỉ xác nhận cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chuyển đổi khi đủ điều kiện.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)