Bắc Giang chuyển đổi đất trồng lúa: Tăng hiệu quả canh tác
Trồng màu, cây lâu năm thế chân lúa
Giữa tháng 5, sau khi thu hoạch lúa chiêm xuân, hầu hết các hộ dân chuyển sang cấy lúa mùa sớm thì chị Dương Thị Chuyên, thôn Ngọc Thành 1, xã Ngọc Sơn (Hiệp Hòa) tập trung làm đất, trồng hơn 6 sào dưa lê. Sau hơn một tháng xuống giống, đến nay dưa chuẩn bị cho thu hoạch. Theo tính toán, với giá bán 10 nghìn đồng/kg như vụ trước, chị Chuyên sẽ thu lãi khoảng 6 triệu đồng/sào. Không chỉ vậy, chị còn kịp trồng thêm một vụ ngô ngọt trước khi bước vào sản xuất vụ đông.
Cánh đồng trồng dưa lê của gia đình chị Dương Thị Chuyên, thôn Ngọc Thành 1, xã Ngọc Sơn (Hiệp Hòa). |
Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn, trước đây, phần lớn diện tích đất nông nghiệp của xã (khoảng 500 ha) được gieo cấy. Vài năm trở lại đây, một số hộ đã chuyển sang trồng các loại cây rau màu có giá trị kinh tế cao, từ đó phong trào chuyển đổi lan rộng trong xã. Điển hình như vụ mùa năm ngoái, cả xã có 450 ha lúa thì vụ mùa này giảm còn hơn 430 ha; phần diện tích chuyển đổi được trồng dưa lê, ngô ngọt… “Chuyển sang trồng các loại rau màu, nhất là những loại cây trái vụ không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao gấp 5-6 lần cấy lúa mà còn nâng cao trình độ canh tác của người dân, hạn chế tình trạng bỏ đất nông nghiệp”, ông Nguyễn Văn Hồng nói.
Bước vào vụ mùa năm nay, cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương cũng vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng lúa không hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng khác có thế mạnh, hiệu quả kinh tế cao. Nhiều nơi linh hoạt lựa chọn và chuyển đổi sang các mô hình phù hợp với từng vùng sinh thái. Tại huyện Tân Yên, vụ mùa này, sau khi khảo sát, Hợp tác xã măng Lục Trúc Lâm Sinh Ngọc Châu liên kết với các xã: Lan Giới, Lam Cốt, Tân Trung, Liên Chung và An Dương (cùng huyện) mở rộng gần 20 ha trồng măng trên chân lúa gặp khó khăn về nguồn nước. Đây là loại cây có giá trị kinh tế cao, đang được thị trường ưa chuộng.
Cùng với thuê lại đất với giá 1 triệu đồng/sào/năm, Hợp tác xã cam kết nhận lao động từ các hộ cho thuê đất vào làm với mức thu nhập ổn định. Chị Hoàng Thị Ngọc, thôn Bình Minh, xã Lan Giới chia sẻ: “Một mình tôi nuôi hai con nhỏ, trong khi bản thân và con mắc bệnh nên cuộc sống khó khăn. Trước đây, tôi cấy 3 sào lúa, thóc chỉ đủ ăn. Giờ đây không chỉ có tiền từ cho thuê đất, tôi còn được nhận vào làm tại khu trồng măng với tiền công 200 nghìn đồng/ngày”.
Bảo đảm đúng mục đích
Với mục tiêu nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh phấn đấu chuyển đổi 6,1 nghìn/55 nghìn ha đất trồng lúa sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản; trong đó năm 2021 chuyển 825 ha. Để thực hiện, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương vận động người dân chuyển đổi, tranh thủ lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ đối với diện tích đất lúa kém hiệu quả cần chuyển đổi.
Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Mục đích của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả là nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng trên một đơn vị diện tích nhưng vẫn bảo đảm giữ nguyên mục đích sử dụng là đất lúa. Do đó, việc chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác, khi cần thiết có thể trở về đất lúa một cách dễ dàng, nâng cao giá trị sử dụng đất là việc cần khuyến khích”.
Với mục tiêu nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh phấn đấu chuyển đổi 6,1 nghìn/55 nghìn ha đất trồng lúa sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản; trong đó năm 2021 chuyển 825 ha. Riêng vụ mùa năm nay, diện tích lúa giảm 777 ha so với năm ngoái. |
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, vụ mùa năm nay, diện tích gieo cấy lúa toàn tỉnh giảm 777 ha so với năm 2020. Đây là kết quả từ sự chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch chuyển đổi của các huyện, TP. Nhiều địa phương đã chủ động chuyển sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, nhất là cây trồng có lợi thế về mùa vụ và đầu ra như: Ngô nếp, ngô ngọt, rau các loại… Ghi nhận tại huyện Tân Yên, với mục tiêu từng bước cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân, các xã, thị trấn đều lựa chọn hướng đi, mô hình phù hợp.
Điển hình như tại xã Lan Giới, để nâng cao giá trị sản xuất, địa phương đã lựa chọn ba cây trồng chủ lực là: Dưa bao tử, ngô ngọt và khoai tây thay cho cây lúa. Tương tự, xã Phúc Hòa đã cơ bản chuyển đổi đất trồng lúa một vụ không ăn chắc sang trồng táo, ổi. Hay như tại huyện Việt Yên, địa phương đang thực hiện kế hoạch chuyển đổi 1.349 ha đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm và cây lâu năm. Theo đại diện UBND huyện, do công nghiệp phát triển nên diện tích đất nông nghiệp của huyện không còn nhiều.
Việc chuyển đổi, nâng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích sẽ góp phần cân bằng sự phát triển giữa các địa phương trong huyện. Tuy nhiên, để việc chuyển đổi được thực hiện đúng quy định, UBND huyện yêu cầu các xã rà soát, chỉ xác nhận cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chuyển đổi khi đủ điều kiện. Cùng đó tăng cường kiểm tra, rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp chuyển đổi sai quy định nhằm mục đích trục lợi.
Ý kiến bạn đọc (0)