Chuyển đổi tư duy
Nhà bác trồng vài sào bí xanh. Cứ khoảng ba tháng một lứa, mỗi sào thu được gần 2 tấn bí. Có thời điểm bí được giá, lên tới 15.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi sào lãi cả hai, ba chục triệu là bình thường.
“Vậy tại sao bác bỏ ruộng, không trồng”? Bác giải thích: Muốn bí to, mã đẹp, ngay từ khi đậu quả phải phun thuốc trừ sâu liên tục. Phun nhiều đến nỗi đến mình cũng cảm thấy chóng mặt, khó thở. Vậy mà hôm trước phun, vài hôm sau mang ra chợ bán. Nghĩ thật không đành, có lỗi lắm!
Ở quê, từ cây ăn quả đến rau màu, tôi quan sát đều thấy có cây cằn, cây tốt; luống đẹp, luống xấu. Ngay như cây táo, bác bảo nếu không phun thuốc sâu sẽ ăn, quả cằn, thậm chí không có quả. Thành ra câu chuyện “rau hai luống” là có cơ sở; có điều nhà nào có kiến thức, phun thuốc thảo mộc, thân thiện với môi trường, thu hái đúng quy trình thì không gây hại cho sức khỏe của chính họ và người sử dụng mà thôi.
Hẳn là người nông dân đã biết rất rõ tác hại của rau bẩn, của thuốc trừ sâu… Nhưng vì cái lợi trước mắt, nhiều người vẫn bất chấp, làm ngơ trước sức khỏe của đồng loại.
Một vị đại biểu Quốc hội khi phát biểu trên diễn đàn đã từng nói, đại ý rằng: Vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm ở mức rất báo động. Vấn nạn này đã đẩy người dân vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Không ăn thì không thể tồn tại, ăn thì phó mặc may rủi cho số phận, bệnh đến lúc nào biết lúc ấy.
Nghe có vẻ bi quan nhưng trên thực tế, không ít người nông dân nay đã chuyển hướng, trồng rau, củ, quả sạch và họ đã thành công. Huyện Lục Ngạn được xem là “thủ phủ cây trái” của miền Bắc, bốn mùa hoa quả tươi tốt và có không ít ông chủ thu bạc tỷ mỗi năm. Đó là cả quá trình nhận thức, chuyển đổi hướng làm ăn, trồng trọt theo hướng “tinh”, trồng quả có địa chỉ, quả sạch. Giờ người ta ăn quả vải thiều, quả cam, quả bưởi nếu muốn biết vườn nhà ai, trồng ở đâu, quá trình sản xuất như thế nào… đều được đáp ứng. Và như vậy, người dùng yên tâm, nhà vườn bán được giá, có thương hiệu và ngay chính sức khỏe của họ- những người chăm cây cũng được bảo đảm.
Sẽ có nông dân bỏ ruộng, chuyển đổi phương thức sản xuất như bác tôi vì thấy tác hại của thuốc trừ sâu. Sẽ có những ông chủ vườn giàu có, trở thành tỷ phú đúng nghĩa với thu nhập từ cây ăn quả sạch như ở Lục Ngạn. Chuyển đổi mô hình sản xuất, chuyển đổi tư duy- ai làm được điều đó sẽ là những nông dân thông thái, biết làm giàu và lo cho mình, cho cả cộng đồng.
Bảo Châu
Ý kiến bạn đọc (0)