Chuẩn bị kịch bản thị trường xăng dầu biến động
Khách hàng đổ xăng tại một cửa hàng xăng dầu trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, tháng 12/2022. |
Giá xăng dầu trong nước vừa có đợt giảm mạnh, 1.600-1.800 đồng mỗi lít với xăng và 1.180-1.350 đồng với dầu. Mức điều chỉnh này đưa mặt bằng giá nhiên liệu trong nước về ngưỡng thấp nhất hai tháng qua.
Từ đầu năm đến nay, giá nhiên liệu trong nước có 16 lần tăng, 9 lần giảm. Tuy vậy, tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá ngày 11/10, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban chỉ đạo, lưu ý Bộ Công Thương, Tài chính về điều hành giá xăng dầu trong những tháng cuối năm.
Theo Phó Thủ tướng, việc Nga và Arab Saudi giảm nguồn cung, dự trữ xăng dầu của một số nước lớn sụt giảm có thể làm giá xăng dầu thế giới đảo chiều, tăng vào những tháng cuối năm. Vì thế, ông giao Bộ Công Thương có giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu và sẵn sàng kịch bản ứng phó về giá khi thị trường biến động.
Ngoài xăng dầu, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng nhắc các bộ, ngành theo dõi sát tình hình thế giới và đánh giá tác động để có giải pháp trước biến động giá lương thực, lúa gạo những tháng cuối năm.
Với giá điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải trình phương án điều chỉnh giá trước ngày 25/10. Trong đó, phương án giá này được tính trên cơ sở cập nhật giá bán lẻ điện bình quân quý III theo chi phí phát điện 9 tháng đầu năm và dự kiến các tháng cuối năm. Phương án trình của EVN sẽ là cơ sở để các bộ, cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá mặt hàng này.
Hiện, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện được thực hiện theo Quyết định 24/2017, trong đó thời gian giữa hai lần điều chỉnh là 6 tháng nếu rà soát, kiểm tra các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên. Như vậy, nếu được cấp có thẩm quyền đồng ý, đợt điều chỉnh giá tiếp theo có thể vào đầu tháng 11.
Giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% từ 4/5, lên 1.920,37 đồng một kWh. Song mức tăng này chỉ bằng một phần ba so với đà tăng 9,27% giá thành sản xuất điện năm 2022 (2.032,26 đồng).
Tại tọa đàm cuối tháng 9, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc EVN, cho hay việc tăng giá 3% hồi đầu tháng 5 chỉ giảm bớt một phần dòng tiền, còn tài chính vẫn tiếp tục khó khăn. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gần đây cho biết, nửa đầu năm nay "ông lớn" ngành điện ghi nhận lỗ khoảng 35.400 tỷ đồng, nhưng tới tháng 8 số lỗ này giảm về còn 28.700 tỷ đồng. Khó khăn tiếp tục bủa vây, EVN kiến nghị Chính phủ, bộ ngành cho phép họ sớm được điều chỉnh giá bán lẻ điện.
Tại cuộc họp, Bộ Y tế được giao hoàn thiện để trình Chính phủ cho ý kiến về phương án điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong tháng 10. Thông tư về giá dịch vụ y tế có thể được xây dựng, ban hành theo trình tự thủ tục rút gọn.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường, nguồn cung được bảo đảm, giá cả hàng hóa cơ bản ổn định. Điều này giúp kiểm soát lạm phát. Hai kịch bản tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm nay được Bộ Tài chính cập nhật, dao động 3,2-3,6% so với năm 2022
Còn Tổng cục Thống kê dự báo, CPI bình quân tăng khoảng 3,3-3,6%. Số liệu dự báo từ Ngân hàng Nhà nước cho biết lạm phát bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,4%.
Theo ước tính của Bộ Tài chính, giả định CPI các tháng còn lại đều tăng một tỷ lệ như nhau so với tháng trước, ba tháng còn lại năm nay còn dư địa tăng khoảng 2,58% so với tháng trước, để lạm phát cả năm ở mức 4,5%.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)