Chưa thống nhất phương án rút bảo hiểm xã hội một lần
Thường trực Ủy ban Xã hội tiếp tục đề xuất hai phương án rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần trong dự luật trình hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Tại phiên thảo luận chiều 27/3, nội dung này nhận được nhiều ý kiến thảo luận của các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Phương án một là phân loại hai nhóm lao động để giải quyết rút BHXH một lần. Người tham gia trước khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025) sau 12 tháng nghỉ việc và có nhu cầu thì được rút. Người bắt đầu đi làm và tham gia hệ thống từ sau 1/7/2025 không được rút BHXH một lần, trừ trường hợp theo quy định.
Người lao động Công ty Tỷ Hùng tại TP HCM. Ảnh: Lê Tuyết |
Phương án hai là lao động được giải quyết 50% tổng thời gian đóng vào Quỹ hưu trí tử tuất, phần còn lại được bảo lưu trong hệ thống để sau này hưởng chế độ. Chính sách áp dụng với lao động đóng bảo hiểm dưới 20 năm mà sau 12 tháng không thuộc diện tham gia khu vực bắt buộc lẫn tự nguyện, muốn rút một lần.
Ủng hộ phương án một, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh cho rằng dự luật cần xây dựng theo hướng giúp lao động có thêm cơ hội cân nhắc việc rút BHXH một lần. Trong trường hợp bất khả kháng, Nhà nước phải tính toán phương án hỗ trợ lao động.
Hiện dự luật chỉ quy định chính sách hỗ trợ tín dụng cho lao động trong thời gian đóng BHXH bị mất việc làm. Song mục đích của chính sách tín dụng là đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia BHXH, không nhất thiết chờ đến khi lao động mất việc làm mới được hỗ trợ. "Ngay khi lao động phát sinh vấn đề cấp bách hoặc đau ốm, phải được hỗ trợ tín dụng ngay, không để họ đi đến con đường rút bảo hiểm một lần", bà Hạnh góp ý.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu cũng nghiêng về phương án một vì sẽ giúp cho người lao động ổn định tâm lý, bảo lưu thời gian đóng BHXH. Thông qua tuyên truyền, vận động, lao động có điều kiện tham gia BHXH tự nguyện để tích lũy, giúp họ có đủ điều kiện hưởng chế độ lâu dài, đặc biệt là hưu trí, tử tuất, bảo hiểm y tế.
Ngược lại, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry ủng hộ phương án hai. Bà cho rằng phương án một gây mất công bằng giữa người tham gia trước và sau khi luật có hiệu lực. Cả nước có khoảng 17 triệu người - khoảng 38% lao động có thời gian đóng BHXH dưới 20 năm. "Chúng ta không có gì đảm bảo rằng nhóm này sẽ không tiếp tục rút bảo hiểm một lần. Trong khi người bắt đầu tham gia từ sau ngày 1/7/2025 lại không được rút", bà Ry nói.
Nhắc lại quan điểm của Nghị quyết 28 của Trung ương năm 2018 là quy định phù hợp để giảm rút BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi, bảo lưu thời gian tham gia để hưởng hưu trí, đại biểu Ry đánh giá phương án hai sát với quan điểm này hơn.
Ngoài ra, tình trạng rút BHXH một lần nhiều nhất là giai đoạn dịch Covid-19, lao động cần tiền để giải quyết vấn đề cuộc sống trước mắt. Vì vậy, bà cho rằng phương án cho rút 50% là hợp lý hơn cả, giúp người lao động được ở lại hệ thống, có khoản tiền để giải quyết vấn đề trước mắt kèm theo các chính sách hỗ trợ tín dụng. Bà Trần Thị Hoa Ry đề nghị Quốc hội cân nhắc thời điểm thông qua luật vì còn nhiều vấn đề cần cân nhắc.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên) cũng đồng tình với phương án hai, song ông đề nghị nghiên cứu bỏ quy định sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm xuống còn 15 năm.
Ông nói việc đưa ra thời hạn 12 tháng gây khó khăn cho lao động khi cần tiền trang trải nhu cầu cấp bách và khó khăn cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc quản lý, kiểm soát. Đồng thời, việc đề nghị giảm thời gian chưa đủ 20 năm xuống còn 15 năm sẽ phù hợp với điều kiện hưởng lương hưu mới.
Thống kê giai đoạn 2016-2022 gần 4,85 triệu người rời bỏ hệ thống an sinh. Trong số này, 1,3 triệu người quay trở lại, tiếp tục đi làm và đóng BHXH; gần 3,55 triệu người chưa quay trở lại; 907.000 lao động từng rút hai lượt; hơn 61.000 người rút ba lượt. Khoảng 99% lao động rút một lần sau một năm ngừng đóng và phần lớn làm việc trong doanh nghiệp.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 10/2023, dự kiến thông qua tại kỳ họp tháng 5 tới và có hiệu lực từ 1/7/2025.
Theo Vnexpress
Ý kiến bạn đọc (0)