Chủ tịch nước Tô Lâm hội đàm với Thủ tướng Campuchia Hun Manet
Ngày 13/7, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội đàm với Thủ tướng Campuchia Samdech Moha Bovor Thipadei Hun Manet trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia.
Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ vui mừng lần đầu tiên thăm cấp Nhà nước tới Campuchia trên cương vị mới và trân trọng chuyển lời thăm hỏi và lời chúc sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Thủ tướng Hun Manet. Chủ tịch nước chúc mừng những thành tựu to lớn, đáng tự hào mà nhân dân Campuchia đã đạt được và tin tưởng Campuchia sẽ đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao trong năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2050, đời sống của nhân dân ngày càng cải thiện, vai trò và vị thế của Campuchia ngày càng được nâng cao ở khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch nước Tô Lâm với Thủ tướng Campuchia Hun Manet. |
Thủ tướng Hun Manet trân trọng việc Chủ tịch nước Tô Lâm thăm Campuchia không lâu sau khi nhậm chức, thể hiện sự coi trọng của Đảng, Nhà nước Việt Nam và cá nhân Chủ tịch nước đối với đất nước và nhân dân Campuchia.
Nhân dịp này, Thủ tướng Hun Manet chúc mừng những thành tựu to lớn mà nhân dân Việt Nam đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu. Thủ tướng Hun Manet bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, ngày càng phát triển thịnh vượng, trở thành một điểm sáng của khu vực và thế giới.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng về sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ hai nước, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân mỗi nước; duy trì thường xuyên trao đổi, gặp gỡ các cấp, các kênh, nhất là kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội, giao lưu nhân dân. Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn của Campuchia, riêng trong quý I/2024, kim ngạch thương mại đứng thứ hai, chiếm 22,2% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Campuchia và tin tưởng thương mại hai nước sẽ sớm đạt mục tiêu 20 tỷ USD.
Chủ tịch nước Tô Lâm hội đàm với Thủ tướng Campuchia Hun Manet. |
Trao đổi sâu về phương hướng và giải pháp thúc đẩy quan hệ song phương thời gian tới, hai nhà lãnh đạo thống nhất cao về những định hướng lớn, nổi bật là tiếp tục duy trì và củng cố tin cậy chính trị; nhấn mạnh hai nước cần hợp tác chặt chẽ để gìn giữ và phát huy đoàn kết hai nước; tăng cường trao đổi thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh; triển khai tốt các cam kết, thỏa thuận, hiệp định đã ký và các cơ chế hợp tác; tăng cường kết nối, phối hợp tuyên truyền, giáo dục sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, về quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa hai nước. Hai bên nhất trí sớm thu xếp đoàn lãnh đạo trẻ Campuchia thăm và đi thực tế ở Việt Nam.
Hai bên cam kết tiếp tục đưa trụ cột hợp tác quốc phòng – an ninh đi vào chiều sâu, nhấn mạnh nguyên tắc không cho phép thế lực thù địch sử dụng lãnh thổ nước này để chống phá nước kia; hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong phòng chống tội phạm công nghệ cao và tội phạm xuyên biên giới, tiếp tục xây dựng đường biên giới hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững; hỗ trợ nhau đào tạo cán bộ và nâng cao năng lực thực thi pháp luật.
Về kết nối hai nền kinh tế, hai bên nhất trí đẩy mạnh triển khai các thỏa thuận đã ký như Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia, Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giai đoạn 2025-2026; quyết liệt đẩy nhanh kết nối giao thông, các cặp cửa khẩu, tích cực phối hợp với Lào triển khai tốt các gói du lịch “Một hành trình ba điểm đến” qua Campuchia - Lào - Việt Nam; khai thác tốt tuyến đường bay thẳng mới mở Hà Nội - Phnom Penh – Hà Nội của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam; đẩy mạnh hơn nữa giao lưu nhân dân, nhất là giữa thanh thiếu niên hai nước, cũng như các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thông tin báo chí, thể thao, tổ chức Ngày/Tuần văn hóa tại mỗi nước.
Cảm ơn Chủ tịch nước Tô Lâm về việc khẳng định Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp gia tăng đầu tư vào Campuchia, Thủ tướng Hun Manet cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam và hỗ trợ, bảo vệ các nhà đầu tư Việt Nam cũng là mục tiêu quan trọng của Chính phủ Campuchia nhằm tăng cường kết nối giữa khu vực tư nhân hai nước.
Đánh giá cao tầm quan trọng của hợp tác phát triển nguồn nhân lực, hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực quan trọng này, trong đó có việc Việt Nam tiếp tục cấp học bổng cho sinh viên Campuchia sang học tập tại Việt Nam. Bên cạnh việc hỗ trợ nhau nâng cao năng lực cho cán bộ, hai bên cũng sẽ chú trọng hơn thúc đẩy thu hút sinh viên hai nước sang học tập tại mỗi nước tại các nhóm ngành phù hợp với xu thế phát triển mới như chuyển đổi số, ứng dụng khoa học – công nghệ…
Hai bên nhất trí phối hợp thực hiện tốt các hiệp ước, hiệp định và thỏa thuận liên quan đến biên giới mà hai nước đã ký kết; tiếp tục đàm phán, tìm giải pháp công bằng, hợp lý thúc đẩy giải quyết các khu vực chưa hoàn thành phân giới cắm mốc trong thời gian tới; tăng cường hợp tác ngăn chặn buôn bán người, vận chuyển ma tuý qua biên giới, bảo đảm an ninh an toàn cho nhân dân các tỉnh biên giới; nhấn mạnh hai bên tiếp tục phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị, trong đó chú trọng đến xây dựng và phát triển hệ thống cửa khẩu, bảo đảm kết nối giao thông thông suốt hai bên biên giới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của hai nước nói chung và các địa phương biên giới nói riêng, tham gia hiệu quả vào các sáng kiến liên kết vùng, khu vực.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Tô Lâm cảm ơn và đánh giá cao việc Campuchia mới cấp quốc tịch cho 3 trường hợp người gốc Việt, tạo tiền đề để hai bên tiếp tục phối hợp giải quyết các trường hợp tiếp theo. Chủ tịch nước mong muốn phía Campuchia tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người gốc Việt an tâm, hòa nhập với cuộc sống ở sở tại, tiếp tục là cầu nối tình hữu nghị hai nước.
Về hợp tác khu vực và quốc tế, hai bên nhất trí ủng hộ Lào hoàn thành vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2024 và Hội đồng liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) 2024; thúc đẩy hợp tác Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam và Tiểu vùng Mekong mở rộng; hợp tác quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong vì lợi ích cộng đồng người dân trên lưu vực, vì tương lai của các thế hệ mai sau và tình đoàn kết gắn bó giữa các quốc gia ven sông, trên tinh thần tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi.
Nhân dịp này, Thông tấn xã Việt Nam và hãng Thông tấn quốc gia Campuchia AKP đã ký Thoả thuận hợp tác nghiệp vụ trên lĩnh vực thông tin, truyền thông nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển hiện nay của báo chí trong kỷ nguyên công nghệ số; góp phần củng cố mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc (0)