Chủ động ứng phó với thời tiết nguy hiểm tại các tỉnh phía Bắc
Ảnh minh họa. |
Đêm về sáng 23/3, các địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai có mưa rào đều khắp và dông rải rác, một số nơi có mưa to đến rất to như: Cao Sơn (Mường Khương) 74,8mm; Nàn Sán (Si Ma Cai) 105mm, Bản Mế (Si Ma Cai) mưa lớn nhất 117,4mm. Mưa lớn làm 45 nhà bị tốc mái, hư hỏng, 1.090,9 ha lúa, hoa màu bị ngập úng, 6,4 ha thủy sản bị thiệt hại, 5 tuyến đường giao thông bị sạt lở, ngập nước và 1 cột điện bị đổ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh nén rãnh áp thấp kết hợp với hội tụ gió trên mực 1500m, một số khu vực trong tỉnh Tuyên Quang có mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến từ 30-80mm trong 12 giờ. Mưa lớn đã làm 35 ngôi nhà của người dân tại các xã Hòa Phú, Yên Nguyên (huyện Chiêm Hóa) bị tốc mái, hư hỏng và gây ngập úng 20 ha lúa tại các xã Lang Quán, Kiến Thiết (huyện Yên Sơn). Mưa lớn cũng gây ngập úng cục bộ tại một số điểm trên các tuyến đường liên huyện, liên xã của huyện Yên Sơn. Hiện nước đang rút chậm.
Tại tỉnh Cà Mau, mưa trái mùa vào ngày 21/3 trên địa bàn xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi đã làm thiệt hại 168ha muối của 68 hộ dân.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, khu vực Bắc Bộ tiếp tục có mưa cục bộ, với lượng mưa phổ biến từ 20-30mm, một số nơi trên 60mm. Cảnh báo, các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh... nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng vùng trũng.
Lý giải về nguyên nhân xảy ra mưa lớn cục bộ tại Bắc Bộ, Trưởng Phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, do sự tranh chấp giữa khối không khí ấm và khối không khí khô và rét, mưa sẽ tiếp tục diễn ra tại Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ từ chiều tối ngày 23 đến sáng 24/3, sau đó tạm ngừng. Đến ngày 27/3, tiếp tục có sự tranh chấp giữa khối không khí ấm và khối không khí khô và rét, khu vực Bắc Bộ trở lại tình trạng mưa dông và lạnh.
Trước tình trạng thời tiết nguy hiểm đang diễn ra tại Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ, ông Nguyễn Văn Hưởng khuyến cáo các địa phương và người dân cần cập nhật thường xuyên những bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của cơ quan chuyên môn để chủ động phòng tránh. Các địa phương có phương án sơ tán người lên các vùng cao và những địa điểm an toàn, nhất là đối với người già, trẻ em. Mỗi người dân cần nắm chắc và sử dụng thành thạo bản đồ nguy cơ ngập lụt, làm chủ các phương án sơ tán và chủ động trong phòng tránh.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lốc, sét, mưa đá; nguy cơ lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi để chủ động ứng phó khi có tình huống xảy ra, đồng thời huy động lực lượng tại chỗ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân và tổ chức khắc phục hậu quả nhanh chóng, kịp thời.
Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến gió mạnh trên biển để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp.
Các địa phương thuộc khu vực nêu trên tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc (0)