Chủ động tham mưu, thực hiện tốt chính sách dân số
Hiện toàn tỉnh có hơn 2,4 nghìn cán bộ trực tiếp làm công tác DS-KHHGĐ, trong đó có hơn 2,1 nghìn nhân viên y tế - DS thôn, bản, tổ dân phố. Đó là "những cánh tay nối dài", đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để đưa công tác truyền thông và cung cấp các dịch vụ DS, chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), KHHGĐ có chất lượng đến người dân.
Lao động nữ của Công ty TNHH AUTUM VINA Lạng Giang trao đổi về chính sách dân số. |
Công tác truyền thông, vận động, giáo dục chuyển đổi hành vi được thực hiện thường xuyên, liên tục cả bề rộng lẫn chiều sâu; việc quán triệt, triển khai, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật về DS được thực hiện kịp thời; hoạt động truyền thông liên tục được đổi mới nội dung và hình thức phù hợp với từng thời kỳ, nhóm đối tượng; công tác truyền thông qua nền tảng mạng xã hội như: Zalo, tiktok, facebook... đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân về thực hiện chính sách DS - KHHGĐ trong từng giai đoạn. Các mô hình truyền thông DS hiệu quả được duy trì và ngày càng mở rộng như: Mô hình câu lạc bộ (CLB) nam nông dân với công tác DS, bình đẳng giới và SKSS - KHHGĐ; CLB DS - KHHGĐ ở các doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp; CLB thanh niên với công tác DS; CLB bình đẳng giới; CLB phụ nữ không sinh con lần 3...
Các đơn vị y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện ngày càng phát triển nhiều dịch vụ kỹ thuật chăm sóc SKSS-KHHGĐ có chất lượng. Các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm các bệnh tật trước sinh, sơ sinh; điều trị vô sinh; tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi… từng bước được triển khai thực hiện và ngày càng phát triển, mở rộng các cơ sở y tế công lập, hệ thống y tế tư nhân. Đến nay, 100% trạm y tế tuyến xã có cán bộ là nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi, đã thực hiện các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ thường xuyên.
Cán bộ y tế khám sức khỏe cho nữ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh. Ảnh: Đỗ Quyên
|
Y tế cơ sở ngày càng được quan tâm đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất và trang thiết bị, phát triển các dịch vụ kỹ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc SKSS ngày càng tốt hơn. Hệ thống y tế tư nhân cũng ngày càng phát triển các loại hình cung cấp dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc SKSS và mạng lưới quầy thuốc tham gia cung cấp đa dạng phương tiện tránh thai phi lâm sàng đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng, thuận lợi cho người dân. Từ đó, nhận thức của cán bộ và nhân dân trong tỉnh về chính sách DS-KHHGĐ được nâng lên rõ rệt.
Từ một tỉnh có mức sinh rất cao đến nay tình trạng gia tăng DS đã giảm mạnh, SKSS, sức khỏe bà mẹ và trẻ em đã được cải thiện rõ rệt, tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) đã giảm từ 6,39 con năm 1960 xuống còn 2,1 con năm 2006, đạt mức sinh thay thế trước 10 năm so với dự báo chiến lược DS của tỉnh đề ra. Song có nhiều yếu tố tác động tới mức sinh nên những năm gần đây mức sinh đã tăng trở lại. Từ một tỉnh có tỷ lệ tăng DS tự nhiên hơn 4,5% (năm 1960) cao hơn mức bình quân của cả nước đã giảm xuống còn 1,13% năm 2020.
Cơ cấu DS của tỉnh Bắc Giang thời gian qua có sự chuyển dịch tích cực, tỷ lệ DS trong độ tuổi lao động tăng lên hơn 66%; tỷ số giới tính khi sinh giảm còn 116,8 trẻ trai/100 trẻ gái; tuổi thọ trung bình đạt 73,5 tuổi, tương đương trung bình của cả nước.
|
Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động tối đa sự tham gia của các cấp, ngành và toàn thể xã hội, tập trung mọi nguồn lực, nỗ lực từng bước giải quyết những thách thức trong công tác DS cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng. Quyết tâm thực hiện mục tiêu giảm sinh, phấn đấu đạt mức sinh thay thế (2,1 con) vào năm 2025; khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, từng bước đưa tỷ số này về mức cân bằng tự nhiên.
Trong đó duy trì ổn định tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại ở mức trên 70%; thực hiện tốt mục tiêu tầm soát, chẩn đoán các bệnh, tật trước sinh, sơ sinh; tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, giảm tình trạng tảo hôn, đặc biệt quan tâm tới nhóm DS thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, SKSS, KHHGĐ. Qua đó góp phần nâng tuổi thọ trung bình của người dân trên địa bàn tỉnh lên 75 tuổi vào năm 2025. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch về công tác DS trong tình hình mới, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược DS Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Vinh dự và tự hào về những thành quả đã đạt được trong 60 năm qua, toàn thể cán bộ, công chức và những người làm công tác DS trong tỉnh càng ý thức sâu sắc về những khó khăn, thách thức trong tình hình mới, để từ đó có quyết tâm cao hơn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết chung tay hoàn thành tốt những nhiệm vụ mà tỉnh và ngành đã giao.
Lê Tố Quyên, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bắc Giang
Ý kiến bạn đọc (0)