Chủ động tầm soát, điều trị sớm bệnh không lây nhiễm
Gia tăng người mắc bệnh
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai, Trưởng Phòng Dân số - Truyền thông (Trung tâm Y tế huyện Tân Yên) cho hay, có nhiều người mắc bệnh nhưng không biết, những thói quen ăn uống không có lợi cho sức khỏe như: Ăn thiếu hoặc quá dư thừa chất dinh dưỡng, ăn nhiều muối, ít vận động, sử dụng rượu, bia, thuốc lá... càng làm cho bệnh thêm nặng.
Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh tư vấn điều trị cho bệnh nhân tăng huyết áp. |
Từ tháng 4 đến tháng 8/2022, Trung tâm Y tế huyện Tân Yên tổ chức 15 buổi khám sàng lọc, truyền thông phòng, chống bệnh THA, ĐTĐ tại 5 xã: An Dương, Liên Sơn, Song Vân, Tân Trung, Việt Lập. Những chuyến đi cơ sở khám sàng lọc đã giúp cơ quan y tế phát hiện thêm được nhiều người mắc bệnh, đưa vào diện theo dõi, quản lý, điều trị đồng thời tư vấn người dân cách chăm sóc sức khỏe để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.
Hiện ngành y tế toàn tỉnh đang quản lý, điều trị 117 nghìn người mắc bệnh không lây nhiễm, trong đó THA 79,4 nghìn người (chiếm 67%), ĐTĐ 27 nghìn trường hợp (23%), còn lại là các bệnh khác. Số lượng bệnh nhân mắc có xu hướng gia tăng, so với cuối năm 2018, có thêm 26 nghìn người THA và 11,4 nghìn bệnh nhân ĐTĐ.
Ngành y tế và BHXH đã thực hiện phân cấp, trong đó khoảng 10,8% trong tổng số bệnh nhân toàn tỉnh được quản lý, điều trị tại tuyến tỉnh, 32% tại tuyến huyện, 28% số bệnh nhân ở ngưỡng ổn định điều trị tại tuyến xã, còn lại là cơ sở y tế tư nhân. Giải pháp phân luồng, chia tuyến như vậy tạo thuận lợi cho người dân khi đến kiểm tra sức khỏe, lấy thuốc và giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
Tăng cường truyền thông, tư vấn, điều trị
Bệnh không lây nhiễm chủ yếu bắt nguồn từ lối sống không khoa học như: Hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, chế độ ăn uống mất cân bằng dinh dưỡng, lười vận động. Thông tin từ Bộ Y tế, hằng năm Việt Nam có khoảng 400 nghìn người chết vì bệnh không lây nhiễm, chiếm 70% các trường hợp tử vong.
Phần lớn trong số 76 ca tử vong do mắc Covid-19 từ đầu năm đến nay tại Bắc Giang là người có bệnh nền. THA và ĐTĐ là những căn bệnh mạn tính mà ngành y tế chưa có phác đồ điều trị khỏi, người bệnh phải sống chung suốt đời, chi phí điều trị tốn kém, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của các gia đình có người mắc bệnh.
Toàn tỉnh hiện quản lý, điều trị 117 nghìn người mắc bệnh không lây nhiễm, trong đó THA 79,4 nghìn người (chiếm 67%), ĐTĐ 27 nghìn người (23%), còn lại là các bệnh khác. Số lượng bệnh nhân mắc có xu hướng gia tăng, so với cuối năm 2018, các địa phương có thêm 26 nghìn người THA và 11,4 nghìn bệnh nhân ĐTĐ. |
Từ năm 2015, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, ĐTĐ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh mạn tính, không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015- 2025.
Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 50% số người bị THA, ĐTĐ, phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản được phát hiện; 50% số người phát hiện bệnh được quản lý, điều trị theo hướng dẫn chuyên môn; giảm 20% tỷ lệ tử vong trước 70 tuổi do các bệnh ung thư, tim mạch, ĐTĐ và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính so với năm 2015.
Khống chế tỷ lệ bị ĐTĐ ở người 30-69 tuổi dưới 8%. Toàn tỉnh có 210 trạm được phê duyệt quản lý và điều trị THA; 20 xã quản lý ĐTĐ.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang quản lý, khám và điều trị cho gần 7 nghìn bệnh nhân ngoại trú THA, ĐTĐ. Bác sĩ chuyên khoa II Vũ Thanh Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: “Qua theo dõi, có khoảng 70% trong số bệnh nhân này chưa nhận thức đúng đắn về bệnh lý, tuân thủ phác đồ điều trị bác sĩ đưa ra không đầy đủ, làm ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc sức khỏe.
Từ thực tế đó, mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đưa vào hoạt động Phòng tư vấn bệnh THA, ĐTĐ với tên gọi “Ngày đầu tiên”". Phòng tư vấn hoạt động trực tiếp và trực tuyến (miễn phí) từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần giúp người bệnh có thêm địa chỉ tin cậy để tự kiểm soát các yếu tố nguy cơ, ngăn ngừa biến chứng và giảm chi phí điều trị.
Theo ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế, các bệnh không lây nhiễm có thể phòng tránh được. Sở Y tế xác định giải pháp trọng tâm là truyền thông, tư vấn và quản lý, điều trị. Sở chỉ đạo toàn ngành tiếp tục quan tâm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng bệnh. Tư vấn cho người dân phòng bệnh chủ động, thể hiện từ việc thực hành lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể chất, kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phát hiện sớm và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Các cơ sở y tế chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cơ sở về công tác dự phòng, phát hiện sớm và điều trị, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh liên quan đến huyết áp, ĐTĐ gây ra.
Từ thực tế nhân lực tại các trạm y tế không đồng đều, hầu hết chỉ có chỉ có một bác sĩ nên chưa thực hiện tốt công tác khám tầm soát, phát hiện sớm người mắc bệnh tại cộng đồng, Sở Y tế yêu cầu hằng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện tổ chức các đợt khám, tầm soát tại cộng đồng, truyền thông nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe, nhất là đối với khu vực nông thôn, vùng cao, vùng xa điều kiện kinh tế khó khăn.
Sở Y tế giao Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục duy trì và phát triển mô hình quản lý, điều trị ngoại trú bệnh THA, ĐTĐ tại cộng đồng. Thường xuyên hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao mô hình quản lý, điều trị cho các cơ sở khám, chữa chữa bệnh đáp ứng đủ điều kiện. Cùng đó bố trí cán bộ y tế thường trực hỗ trợ bệnh nhân, phát huy hiệu quả mô hình tư vấn "Ngày đầu tiên" tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Bài, ảnh: Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)