Chống đối cảnh sát giao thông: Xử nghiêm để răn đe
Liều lĩnh, nguy hiểm
Tối 18/11, tổ công tác Công an huyện Hiệp Hòa kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn tại đường tỉnh 295, thuộc địa phận thôn Đông Lâm, xã Hương Lâm. Phát hiện xe mô tô BKS 98D1- 891.39 do Nguyễn Bắc Nam (SN 2006), trú tại thôn Cẩm Hoàng, xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa) điều khiển đi với tốc độ cao chở theo một người, cả hai không đội mũ bảo hiểm (MBH), CSGT ra hiệu lệnh dừng xe thì đối tượng Nam bất ngờ lách sang phần đường của xe đi ngược chiều, đâm mạnh vào Thiếu tá Ngô Văn Lương đang làm nhiệm vụ khiến đồng chí bị ngã, gãy chân trái, phải nhập viện cấp cứu.
Cán bộ Phòng CSGT kiểm tra nồng độ cồn tại đường tỉnh 293, đoạn qua thị trấn Tân An (Yên Dũng). |
Đối tượng Nam khai nhận không đội MBH và không có giấy phép lái xe (GPLX), sợ bị phạt, giữ xe nên đã đâm xe vào chốt CSGT. Nam bị khởi tố về tội "Chống người thi hành công vụ".
Trước đó, vào tối 23/10, một vụ việc tương tự xảy ra tại tỉnh lộ 298, đoạn qua xã Ngọc Lý (Tân Yên). Khi thấy Lê Văn Khải (SN 2004), trú tại thị trấn Nhã Nam (Tân Yên) tham gia giao thông nhưng không đội MBH, Trung tá Dương Văn Vỹ, Đội CSGT trật tự (Công an huyện Tân Yên) đã ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra. Do không có GPLX, không đội MBH và đã sử dụng ma túy tại một nhà nghỉ trước đó, Khải điều khiển xe tăng tốc bỏ chạy, đâm vào đồng chí Vỹ làm đồng chí ngã ra đường, bị thương ở vùng đầu, tỷ lệ tổn thương 16%.
Trong số 3 vụ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Bắc Giang khởi tố về hành vi “Chống người thi hành công vụ” liên quan đến lực lượng CSGT, đáng chú ý là vụ đối tượng uống rượu rồi chống đối. Cụ thể, gần 21 giờ ngày 25/9, ông Đinh Công Bình (SN 1974), trú tại đường Hùng Vương, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) đi liên hoan, có uống rượu nhưng vẫn điều khiển xe ô tô BKS 30T-3119 về nhà.
Phát hiện có chốt kiểm tra nồng độ cồn ở đường Xương Giang, lo sợ bị thổi, ông Bình điều khiển xe sang làn đường ngược chiều với ý định bỏ chạy, buộc Thượng uý Tạ Văn Nam, cán bộ Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô (đơn vị tăng cường của Bộ Công an) phải nhảy lên nắp ca pô, bám vào cần gạt nước của xe. Xe di chuyển hơn chục mét mới dừng lại. Qua kiểm tra, ông Bình có nồng độ cồn 0,203mg/lít khí thở.
Để bảo đảm trật tự ATGT, Phòng CSGT Công an tỉnh và công an các huyện, TP đã duy trì hiệu quả nhiều tổ công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, trong đó triển khai quyết liệt, nghiêm túc, mạnh tay với vi phạm nồng độ cồn. Việc tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý, nhất là đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn của lực lượng chức năng đã nhận được sự ủng hộ của người dân.
Nhắc lại mấy vụ tai nạn giao thông do lái xe ô tô có nồng độ cồn trong máu gây ra với xe mô tô xảy ra trên địa bàn tỉnh, gây thương vong lớn, ông Nguyễn Văn Tuấn, một người dân ở phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) chia sẻ: “Tôi ủng hộ việc CSGT tăng cường xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Cứ làm như hiện nay là rất tốt, người dân ra đường sẽ yên tâm hơn, bớt nỗi lo tai nạn do rượu, bia”.
Cần chế tài đủ mạnh
Trao đổi với Thượng tá Ngô Văn Phục, Phó Trưởng Phòng CSGT được biết, nguyên nhân dẫn đến hành vi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT, cố tình thông chốt, đâm thẳng phương tiện vào tổ công tác, chống người thi hành công vụ là do nhận thức về pháp luật của các đối tượng không đầy đủ, ý thức chấp hành kém, thậm chí một số đối tượng coi thường pháp luật. Nhiều người có hành vi chống đối thường đã uống rượu bia.
Năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 vụ chống người thi hành công vụ làm 5 CSGT bị thương. Cụ thể, TP Bắc Giang (3 vụ, 2 CSGT bị thương); Tân Yên (1 vụ, 1 CSGT bị thương), Hiệp Hòa (1 vụ, 1 CSGT bị thương), Lạng Giang (1 vụ, 1 CSGT bị thương), Lục Nam (1 vụ). Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 6 vụ và xử lý hành chính 1 vụ ở huyện Lục Nam. Ngoài ra còn có 50 vụ chống đối khác ở mức chưa phải xử lý hình sự. |
Khi có các chất kích thích trong cơ thể sẽ rất dễ bị kích động thần kinh, không làm chủ được hành vi khi bị dừng xe kiểm tra. Trong tình huống biết là mình đang vi phạm với các lỗi như: Không có GPLX hoặc GPLX đang bị tước, không mang theo giấy tờ, không đội MBH… sợ bị nộp phạt mất tiền, tước GPLX không được sử dụng trong thời gian dài, tạm giữ phương tiện không có xe đi… nên cố tình không chấp hành hiệu lệnh hòng thoát bị phạt.
Các hành vi chủ yếu xảy ra vào buổi tối với tâm lý cho rằng thời điểm đó dễ trốn chạy, khó bị phát hiện, không bị xử lý. Tình huống người vi phạm cố tình phóng xe trốn chạy gây nguy hiểm không chỉ cho lực lượng CSGT mà còn cho người đi đường và chính bản thân người vi phạm.
Để ngăn chặn tình trạng trên, giải pháp đặt ra của lực lượng CSGT là tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tự giác của người tham gia giao thông. Trong tuần tra kiểm soát bố trí lực lượng đủ mạnh, công khai, minh bạch thời gian, địa điểm, tuyến đường. Vị trí dừng phương tiện đặt đủ biển báo để người điều khiển biết, giảm tốc độ. Cán bộ làm nhiệm vụ chấp hành nghiêm quy trình công tác, tư thế, lễ tiết, tác phong, điều lệnh công an nhân dân khi tiếp xúc, làm việc với người vi phạm.
Theo quy định của pháp luật, tội “Chống người thi hành công vụ” (Điều 330 Bộ luật Hình sự) có khung hình phạt khởi điểm là cải tạo không giam giữ. Hình phạt này nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Bởi thực tế việc lao xe vào lực lượng cảnh sát là hành vi nguy hiểm mà đối tượng biết trước nhưng vẫn cố tình thực hiện. Vì vậy kiến nghị tăng chế tài xử phạt, đưa các vụ ra xét xử lưu động nhằm răn đe, phòng ngừa chung.
Bài, ảnh: Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)