Cảnh giác trước ma trận tín dụng đen
Chỉ cần truy cập, đăng nhập vào các trang, hội, nhóm mang tên Công nhân Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám… hoặc nhà trọ cho công nhân thuê trong môi trường mạng xã hội, lập tức hàng loạt quảng cáo cho vay tiền không cần thế chấp, giải ngân nhanh hiện ra với lời mời, thủ tục không thể đơn giản hơn, kể cả đang có nợ xấu (chỉ cần căn cước công dân, bảo hiểm y tế do doanh nghiệp đang làm việc cấp, thẻ công nhân, sao kê bảng lương…).
Công an thị trấn Nếnh (Việt Yên) tuyên truyền, phổ biến đến công nhân, người lao động nâng cao ý thức cảnh giác, không sử dụng tín dụng đen. Ảnh Công an huyện Việt Yên. |
Thậm chí, tại các trục đường, cổng công ty, khu vực đông công nhân, những tờ rơi, quảng cáo cho vay tiền được dán kín, người vay chỉ cần gọi theo số điện thoại và hứa hẹn cắt “hoa hồng” cho người giới thiệu vay tiền là được.
Anh N.V.H ở xã Yên Lư (Yên Dũng - Bắc Giang) trước đây làm công nhân trong một doanh nghiệp tại KCN Quang Châu, hồi đầu năm nay, trong một lần bí tiền đã vay theo quảng cáo trên Faceboook số tiền 5 triệu đồng. Anh H kết bạn Zalo qua số điện thoại của một đối tượng và thực hiện theo yêu cầu, đến khi nhận tiền, anh chỉ được cầm 4,5 triệu đồng, còn 500 nghìn đồng bị “cắt lãi” trước, lãi suất phải chịu là 5 nghìn đồng/triệu/ngày.
Do không chí thú làm ăn, số tiền đi vay anh H nhanh chóng tiêu hết và không trả được gốc cũng như lãi. Khất lần mãi, lãi mẹ đẻ lãi con, anh H nghỉ việc, bỏ trốn, cắt mọi liên lạc. Người cho vay gọi điện cho bố mẹ, anh chị em của anh H đòi tiền, anh trai H cũng chỉ trả được 2 triệu đồng, số tiền gần 10 triệu còn lại gia đình anh H từ chối thanh toán. Đối tượng cho vay bêu riếu anh H trên các trang mạng xã hội và hứa “treo thưởng” cho ai cung cấp thông tin về anh H để đòi tiền.
Với trường hợp của chị N.T.T ở xã Tăng Tiến (Việt Yên) còn bi thảm hơn. Người thân của chị không muốn nhắc đến chuyện buồn đó và chỉ kể vắn tắt: Được giới thiệu vay tiền qua một app, chị nhắn tin và được yêu cầu điền những thông tin cá nhân trước khi vay.
Chị T chưa từng gặp mặt các đối tượng mà chỉ liên hệ qua điện thoại, sau khi cung cấp thông tin cá nhân, các đối tượng báo cho chị phải đóng phí để nhận được khoản vay. Sau khi chuyển tiền, chị lại nhận được điện thoại nói hồ sơ của chị lỗi, phải chuyển thêm tiền khắc phục lỗi…
Với nhiều lý do như vậy, chị T đã chuyển cho chúng gần 400 triệu đồng mà không nhận được đồng tiền vay nào. Đến khi số tiền quá lớn, chị mới nhận ra bị lừa nhưng không thể làm gì được. Phẫn uất vì bị lừa, chị đến trình báo Công an huyện Việt Yên và trong một phút nghĩ quẩn, chị đã tự sát.
Tìm hiểu các app cho vay tiền trái phép đang mọc như nấm sau mưa hiện nay cho thấy đây là một loại tín dụng đen biến tướng. Các ứng dụng không được phép của các cơ quan chức năng mà hoàn toàn tự phát, ẩn dưới các doanh nghiệp tư vấn tài chính. Đằng sau những lời quảng cáo về các gói vay này là giải ngân nhanh, thủ tục đơn giản và thường được người vay tìm đến khi cần tiền gấp trong thời gian ngắn, giải quyết khó khăn trước mắt là cái bẫy tinh vi gây ra hậu quả nghiêm trọng nếu người dân lỡ vay.
Nhiều người mất trắng tài sản, nhà cửa, tiền bạc vì lãi vay quá cao, nếu không trả sẽ bị đe dọa tính mạng, sức khỏe, người thân bị quấy nhiễu. Chị N.K.V ở TP Bắc Giang là một ví dụ điển hình, người nhà chị vay qua app 12 triệu đồng nhưng sau đó chậm thanh toán, lập tức trong tháng 5/2022, chị bị “khủng bố” qua điện thoại.
Các đối tượng cho vay liên tục gọi điện cho chị, dùng lời lẽ thô tục, đưa chuyện người thân của chị vay tiền lên Facebook, Zalo nhằm gây sức ép để chị tác động đến người nhà trả tiền, lúc này số tiền gốc và lãi lên đến 32 triệu đồng. Liên tục nhiều ngày như vậy, chị buộc phải trình báo Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) và cùng với người nhà thanh toán tiền cho các đối tượng. Sau khi được lực lượng công an hướng dẫn các biện pháp giải quyết, gia đình chị mới được yên ổn.
Trao đổi với Trung tá Hà Đức Thân, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh), được biết sở dĩ tín dụng đen biến tướng ngày càng phức tạp do một bộ phận công nhân, người lao động có nhu cầu vay tiền nhưng không thể tiếp cận với các nguồn vay chính thống, được pháp luật cho phép. Cá biệt, có người vay để phục vụ mục đích không chính đáng như vay để chơi cờ bạc, ăn tiêu hoang phí… Đây chính là những khách hàng “tiềm năng béo bở” của tín dụng đen.
Cơ quan công an khuyến cáo người dân, nhất là công nhân, người lao động không nên vay tiền từ các app cho vay tiền không rõ nguồn gốc, vay qua số điện thoại trên tờ rơi dán nơi công cộng… Khi có nhu cầu vay tiền nên tìm đến các tổ chức tín dụng uy tín được nhà nước cấp phép theo đúng quy định. Nếu người thân vay tiền qua tín dụng đen, bị làm phiền qua điện điện thoại cần kiểm tra ngay thông tin người nợ, hình thức vay nợ, nợ ai, số tiền nợ và trình báo cơ quan công an nơi gần nhất để phối hợp giải quyết.
Cơ quan chức năng cùng các tổ chức chính trị xã hội cũng cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người dân, nhất là công nhân, người lao động nhận thức rõ những rủi ro khi vay tiền qua tín dụng đen, từ đó cảnh giác, không mắc lừa kẻ xấu.
Quốc Phương
Ý kiến bạn đọc (0)