Cần quy định chặt chẽ để tránh xử lý oan sai người không uống rượu, bia tham gia giao thông
BẮC GIANG - Chiều 22/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp.
Tham gia đóng góp ý kiến vào khoản 2, Điều 10 quy định nghiêm cấm hành vi “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” của dự thảo Luật, đại biểu Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng quy định trên nhằm mục đích phòng ngừa, làm giảm tai nạn giao thông, giảm những rủi ro, thiệt hại tiềm tàng do việc sử dụng rượu, bia gây ra đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của chính người điều khiển, người tham gia giao thông, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các gia đình và toàn xã hội.
Đại biểu Trần Văn Tuấn phát biểu tại hội trường. |
Đại biểu Trần Văn Tuấn băn khoăn việc quy định hành vi cấm nêu trên đã thực sự đầy đủ, chặt chẽ hay chưa? Liệu có dẫn đến trường hợp bị xử lý oan sai hay không, nhất là đối với người điều khiển phương tiện tham giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nội sinh (không phải do sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn).
Từ nội dung báo cáo về nồng độ cồn nội sinh được đề cập trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Trần Văn Tuấn cho rằng việc xác định nồng độ cồn nội sinh là chưa có căn cứ rõ ràng, chứ không phải là không có căn cứ. Theo quan điểm của đại biểu, đây là những vấn đề cần được quy định chặt chẽ trong Luật, tránh xử lý oan sai đối với người không uống rượu, bia và đồ uống có cồn khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Dẫn chứng từ báo cáo tham vấn chuyên gia gửi đến Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, đối với cơ thể người, hằng ngày có thể sinh ra lượng cồn (cồn hay Ethanol) nội sinh từ 0 - 20 gam trên một ngày, lượng cồn trong máu sẽ có thể tới 6,7 miligam/100 mililít máu tại thời điểm lấy máu xét nghiệm khi có nồng độ cồn đạt mức cao nhất. Với lượng cồn nội sinh, dù có đạt mức cao nhất thì cũng rất thấp so với lượng cồn uống từ ngoài vào và lượng cồn nội sinh này về cơ bản sẽ được gan chuyển hóa hết trong thời gian ngắn, trung bình khoảng 20 phút và không có trong hơi thở. Do đó, việc xác định người tham gia giao thông có sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn hay không thông qua việc kiểm tra hơi thở về cơ bản là chính xác nhưng đối với các bệnh nhân bị một số bệnh như xơ gan nặng, ung thư gan giai đoạn muộn, lúc này cơ thể tăng chuyển hóa Acetol nên hơi thở có nồng độ cồn. Trường hợp này, nếu người tham gia giao thông khẳng định không uống rượu, bia và nói bị bệnh thì nên tham khảo cơ sở y tế để tránh xử lý oan.
Từ những phân tích trên, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung khoản 2, Điều 10 của dự thảo Luật về hành vi bị nghiêm cấm: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; trừ trường hợp trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn do bị bệnh dẫn đến tăng chuyển hoá nồng độ cồn nội sinh”. Đồng thời bổ sung nội dung giao cho Chính phủ quy định chi tiết trường hợp cần xác định và cách thức xác định nồng độ cồn nội sinh đối với người bị bệnh khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nhằm tránh việc xử lý oan sai đối với các trường hợp này.
Xuân Hà
Ý kiến bạn đọc (0)