Bóng cả
Trưởng bản Miếu ngồi tần ngần dưới giàn gấc, quả đã chín ửng, sai lúc lỉu. Hình như ông đang nghĩ ngợi về một điều gì đó. Đôi mắt của người đàn ông ngoài 60 tuổi đọng sâu vẻ đăm chiêu, đầy tâm sự. Dáng người mảnh khảnh, nước da đen bóng, khuôn mặt ông khi nào cũng vậy, vui cũng như buồn, đều điềm đạm, nhân hậu khiến bất kỳ ai dù gặp lần đầu đều cảm thấy gần gũi. Ông nhấc bát nước lá lên miệng, nhấp một ngụm rồi lại đặt xuống. Từ phía ngoài bờ tường rào đá xa xa, giọng của thằng A Lăng đã vang lên:
Minh họa: Đinh Hương. |
- Trưởng bản Miếu ơi! Ông có nhà không? Gọi rồi nó rướn người nhìn vào sân rồi lại ngó ra sau vườn. Nó không hề biết trưởng bản Miếu đang ngồi một mình dưới giàn gấc cho tới khi ông niềm nở lên tiếng:
- Ông ở đây này. Ông nhổm dậy, đưa tay lên vẫy vẫy thằng bé về phía mình. A Lăng rảo bước, rón rén đôi chân trần đen nhẻm, trên tay nó xách một chùm cá được xâu vào cái dây dài, con nào con nấy hãy còn ngúng nguẩy. Nó cười, hàm răng trắng toát, cái nào cái nấy đều như hạt bắp trên nương. Nhìn trưởng bản Miếu, nó đon đả:
- Cha cháu bảo đem sang biếu ông trưởng bản một ít cá suối vừa bắt được. Nó vừa nói vừa giơ hai tay đưa xâu cá về phía trưởng bản Miếu, còn ông thì lắc đầu, đẩy tay nó lại:
- A Lăng đem về nấu đi! Ông vẫn còn thức ăn nhiều lắm.
- Không ạ. Cha cháu bảo, ông trưởng bản nhận thì cháu mới được về. Nếu đem cá về nhà, cha cháu sẽ đánh đòn.
Một tay xách xâu cá lủng lẳng, tay còn lại đưa lên gãi đầu, nó gượng gạo nhìn ông Miếu như van nài.
- Cái thằng bé này… Lại là cái anh A Hơn. À mà… Ông cười khà khà rồi hỏi A Lăng:
- Thế cha cháu đã đỡ bệnh nhiều chưa?
- Cha cháu đỡ nhiều rồi ạ. Sáng nay, cha đã cùng cháu ra suối bắt cá. Sau cơn mưa đầu mùa, suối bản mình có nhiều cá lắm ông ạ. Trưởng bản Miếu miễn cưỡng nhận xâu cá cho thằng bé vui lòng.
- Chào trưởng bản Miếu! Chào trưởng bản Miếu! Mấy người dân trong bản lên nương rẫy về, ngồi nghỉ mát dưới gốc bơ nhà A Hơn, nói chuyện vui vẻ. Thấy trưởng bản Miếu, họ đứng dậy chào, tay bắt mặt mừng.
- Nhờ có trưởng bản Miếu mà mùa mía năm nay, gia đình tôi thu hoạch và bán được giá hơn vụ trước nhiều lắm.
- Nhà tôi cũng vậy, mấy vụ trước toàn mất mùa. Thế mà kể từ khi nghe lời trưởng bản Miếu chuyển đổi giống cây trồng, năm nay nhà tôi khấm khá hẳn.
- Tôi nói chẳng có sai mà. Công lớn đều nhờ vào trưởng bản Miếu cả. Bản mình, dân mình được như ngày hôm nay là nhờ có công của trưởng bản đấy.
- Mọi người đừng nói thế. Tôi có giúp được gì đâu. Đấy là công sức lao động của mọi người cả mà… Trưởng bản Miếu từ tốn cắt nghĩa. Nhưng ai nấy đều dành những lời tốt đẹp cho người cán bộ già gương mẫu, năng nổ nhất bản mình. Họ kể với nhau đủ chuyện về ông. Nào trưởng bản Miếu giúp họ thoát nghèo thế nào. Nào trưởng bản Miếu giúp họ hiểu được việc sinh con nhiều sẽ khiến cuộc sống trở nên khó khăn ra sao. Rồi thì trưởng bản còn thường xuyên đến từng nhà trong bản nói chuyện, động viên mọi người biết ăn chín uống sôi, bảo vệ rừng, bảo vệ muông thú, biết cải tạo rừng sau mỗi mùa làm rẫy, làm nương.
Cả bản từ người lớn tuổi nhất đến những người trẻ nhất, không ai không biết về trưởng bản Miếu. Họ bảo, có một trưởng bản giàu trách nhiệm và yêu thương dân bản như vậy thì không chỉ họ mà đời con, đời cháu họ sau này cũng đều phải biết, phải được nghe. Để con cháu nhìn vào đó mà học theo, làm theo, mà sống sao cho tốt.
Trưởng bản Miếu vốn là người dưới xuôi. Cách đây hơn 20 năm, một người đàn ông dáng mảnh khảnh, khuôn mặt buồn bã, dắt díu hai đứa con thơ, một trai, một gái, đứa lên hai, đứa lên bốn tuổi đến bản. Thời đó, bản còn hoang sơ, rừng rú rậm rạp. Nhà cách nhà thưa thớt. Chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, chỉ có số ít là người Kinh. Người đàn ông làm quen với họ. Ban đầu chưa hiểu nhau vì ngôn ngữ bất đồng, dần dần mới quen. Người dân trong bản giúp ông dựng nhà, cho cha con ông ngô, sắn khi khó khăn. Họ còn chỉ cho ông cách vào rừng săn bắt, lấy rau rừng làm thức ăn hằng ngày.
Người đàn ông đó sau này trở thành trưởng bản. Ông Miếu kể với họ, vợ ông qua đời sau một năm chống chọi với căn bệnh lạ. Nhà cửa, tiền bạc dốc hết vào việc chữa bệnh, đến khi tang ma cho vợ xong, mấy cha con ông chỉ còn mỗi bộ quần áo mặc trên người. Hồi ấy, dưới xuôi khổ lắm, mùa màng hay thất bát. Nhiều người rời làng đi tìm cuộc sống mới. Ông cõng đứa nhỏ, dắt tay đứa lớn, cứ thế mải miết đi và đến được với bản làng này.
Được mọi người giúp đỡ, ông chăm chỉ làm lụng, nuôi con. Ông đem những kinh nghiệm có được từ dưới xuôi mạnh dạn thử nghiệm trên núi rừng này. Hết lần này đến lần khác, sau mỗi lần thất bại, ông càng quyết tâm làm lại. Rồi trời cũng hiểu lòng người. Ông đã trồng được những giống lúa mới trên nương, trồng ngô, khoai, sắn cho mùa vụ bội thu. Ông lo cho hai con có cuộc sống no đủ, rồi lo cho chúng được đi học. Ông nói với các con, dù có cực khổ thế nào cũng nhất quyết cho hai anh em đi học để biết chữ. Hai đứa con của ông không chỉ ngoan ngoãn mà còn rất sáng dạ. Được thầy cô giáo dưới xuôi lên dạy trên bản động viên, ông có thêm niềm tin để khích lệ các con học tập. Trong bản, mọi người đều quý ông. Họ bầu ông làm trưởng bản. Ông không muốn nhưng vì ai nấy đều tin tưởng nên ông đành nhận lời. Từ khi bản có ông đứng đầu, người dân sống đoàn kết, biết chia sẻ và giúp đỡ nhau. Họ nghe và tin theo lời của trưởng bản Miếu, không duy trì những hủ tục rườm rà lúc cưới xin, ma chay. Cuộc sống nơi bản làng heo hút dần đổi khác. Trẻ em từ tuổi mầm non đã được đến trường, không còn rong ruổi theo cha mẹ lên nương...
Kể về trưởng bản Miếu, mọi người lại không thể quên chuyện nhà anh A Hơn. Vợ anh sau khi sinh ra thằng A Lăng thì chết. Đứa con sinh ra, thiếu sữa mẹ, cứ khóc mãi không thôi. Thầy cúng bảo thằng bé bị hồn mẹ nó bắt đi. Phải chôn sống nó với mẹ thì mới yên ổn được. A Hơn một hai tin vào lời thầy cúng, thầy mo, suýt nữa đã chôn đứa con mới lọt lòng của mình theo vợ nếu không có trưởng bản Miếu đến kịp. Sau khi được ông giải thích, A Hơn mới nhận ra mình đã mê tín, cạn nghĩ. Đứa trẻ ấy giờ là thằng A Lăng kháu khỉnh, ham học và rất hiếu thuận với cha. Thành ra, cha con anh A Hơn quý và mang ơn trưởng bản Miếu lắm. Anh sống lương thiện và hứa sẽ lo cho con trai được đi học như hai đứa con của trưởng bản Miếu.
Nghe tin Huỳnh, con trai lớn và Hiền, con gái thứ hai của trưởng bản Miếu về, mọi người liền rủ nhau đến thăm. Họ ngồi chật cả nhà trong nhà ngoài. Người đem bơ, người mang rau rừng, rồi gà, cá đến… Họ bảo biếu anh em Huỳnh tẩm bổ sau quãng thời gian học tập vất vả dưới phố. Trưởng bản Miếu thấy khó xử lắm, chẳng biết nói thế nào để bà con hiểu. Thằng bé A Lăng năm nay tròn 10 tuổi. Nó cũng theo cha đến nhà trưởng bản Miếu. Nó bảo muốn được gặp anh Huỳnh và chị Hiền để nghe anh chị kể về cuộc sống dưới phố. Nó háo hức rồi ao ước sau này cũng sẽ được học lên cao giống như hai anh chị. Nó bảo vừa muốn trở thành bác sĩ như anh Huỳnh lại vừa muốn trở thành cô giáo dạy chữ như chị Hiền. Trưởng bản Miếu thông báo với bà con rằng các con mình sắp tới sẽ về bản công tác. Bản mình có thêm bác sĩ, có thêm cô giáo mới. Mọi người nghe thế, ai cũng vỗ tay vui sướng.
Điều mà trưởng bản Miếu băn khoăn cả tháng nay là chuyện bầu một trưởng bản mới cho dân làng. Ông nghĩ đến A Hơn rồi thì A Len, cả hai đều là người trách nhiệm, có tâm. Nhân bữa nay hội tụ đông đủ dân bản, ông đem chuyện bầu trưởng bản mới ra bàn. Mọi người, trong đó có cả A Hơn và A Len đều từ chối. Họ bảo họ tin tưởng và muốn trưởng bản Miếu tiếp tục là người đứng đầu của bản. Trưởng bản Miếu tuy đã cao tuổi nhưng còn khỏe, còn năng nổ. Dân bản có ông, ai cũng cảm thấy rất an tâm. Họ bảo ông là bóng cả, là điểm tựa, là niềm tin của bản. Nói rồi, một tràng vỗ tay của dân bản dành cho ông lại vang lên. Hết nhìn hai con đã trưởng thành rồi nhìn từng khuôn mặt hiền lành, chất phác của người dân trong bản, ánh mắt trưởng bản Miếu cứ thế rưng rưng một niềm hạnh phúc, biết ơn.
An Viên
Ý kiến bạn đọc (0)