Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu 5 giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn. |
Đại biểu Nguyễn Văn Thi cho rằng một trong các tồn tại, hạn chế trong Báo cáo KT-XH nhiều năm đã chỉ ra là chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động thấp, không đạt chỉ tiêu kế hoạch (năm 2021 đạt 4,71/4,8%; năm 2022 đạt 4,8/5,2%; năm 2023 thì vấn đề này cũng là 1 trong 5 chỉ tiêu không đạt kế hoạch).
Theo báo cáo của Chính phủ, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề chưa cao, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; chất lượng đào tạo chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.
Đại biểu Nguyễn Văn Thi đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết trách nhiệm của Bộ và giải pháp cơ bản để thực hiện đạt chỉ tiêu này trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Văn Thi chất vấn về vấn đề chất lượng đào tạo nghề. |
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Thi, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, năng suất lao động là một trong các chỉ tiêu vừa qua mà 2-3 nhiệm kỳ không đạt và gặp nhiều khó khăn về vấn đề này.
Để nâng cao năng suất lao động, Bộ trưởng đề cập đến 4 vấn đề quan trọng: (1) công nghệ đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất lao động; (2) vốn, nhiều vốn và vốn chất lượng cao rất quan trọng, sẽ giúp các quốc gia xây dựng nền tảng sản xuất, chế biến; (3) nguồn nhân lực chất lượng cao, đây là yếu tố nền tảng, nhất là về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ và ý thức tổ chức của người lao động; (4) kinh nghiệm cho thấy, các quốc gia phát triển và năng suất lao động cao, thường tỉ lệ lực lượng lao động phi chính thức thấp.
Theo Bộ trưởng, sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có phân công rất rõ ràng, Đề án về nâng cao năng suất lao động giao cho Bộ Khoa học, Công nghệ; Đề án nâng cao năng suất, đặc biệt đào tạo chất lượng cao thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì.
Về hệ thống đào tạo trường nghề, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thừa nhận những hạn chế của Bộ trong vấn đề này, Bộ trưởng nêu rõ, hiện nay toàn bộ các trường nghề thì ở địa phương quản lý nhà nước trực tiếp và chủ quản. Còn 99 trường nghề do các bộ, ngành quản lý trực tiếp. Còn Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận trách nhiệm quản lý nhà nước trong vấn đề này.
Thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tập trung vào 5 giải pháp căn bản: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức để tạo sự ủng hộ của xã hội, các phụ huynh, người học; sắp xếp lại quy hoạch mạng lưới; chuyển đổi cơ cấu lao động; phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu thị trường; kết nối doanh nghiệp và đào tạo kép, mỗi doanh nghiệp phấn đấu trở thành một trường nghề, đây là kinh nghiệm của các nước phát triển, đặc biệt là nước có trình độ cao như Đức…
Cũng tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các đại biểu đã chất vấn về các vấn đề như hạn chế trong công tác đưa thanh niên là người dân tộc thiểu số đi làm việc tại nước ngoài; giải pháp hỗ trợ sinh kế cho lao động nữ sau đại dịch Covid-19; vấn đề lao động nữ tại các khu công nghiệp, hỗ trợ học nghề ở trong các cơ sở công lập...
Thu Hằng - TS
Ý kiến bạn đọc (0)