Bỏ ngỏ xử lý chất thải xây dựng
Chất thải rắn xây dựng đổ tràn lan
Theo Thông tư số 08/2017/TT-BXD ngày 16/5/2017 của Bộ Xây dựng quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng quy định, chất thải rắn xây dựng là các loại chất thải phát sinh trong quá trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời, tu bổ, phục hồi, phá dỡ các công trình, dự án, nhà ở.
Rác thải xây dựng đổ tại bờ đê sông Thương, đoạn qua địa bàn TP Bắc Giang. |
Tại Bắc Giang, thời gian qua, việc thu gom, xử lý chất thải rắn phát sinh trong quá trình sinh hoạt được các cấp, ngành địa phương đặc biệt quan tâm, tạo những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc quản lý, xử lý chất thải rắn trong lĩnh vực xây dựng còn những hạn chế do thiếu những quy định, hướng dẫn quản lý, xử lý cụ thể. Trên địa bàn tỉnh hiện cũng chưa có các nhà máy, khu xử lý loại chất thải này nên tình trạng chất thải phát sinh trong quá trình xây dựng chưa được xử lý, bị đổ tràn lan diễn ra khá phổ biến, nhất là ở các khu vực đô thị.
Tại TP Bắc Giang, việc quản lý chất thải rắn xây dựng đã được quan tâm qua việc yêu cầu các chủ nguồn thải trước khi xây dựng công trình, nhà ở phải ký cam kết không xả thải ra môi trường trái quy định, nộp phí bảo vệ môi trường,... Nhưng tình trạng xả thải rác xây dựng không đúng quy định vẫn tái diễn. Dạo quanh một số phường, xã như Thọ Xương, Dĩnh Kế, Dĩnh Trì, Tân Tiến… thấy không ít tuyến đường, khu dân cư mới, khu giáp ranh giữa vẫn xuất hiện những đống rác xây dựng.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vinh, Chủ tịch UBND phường Dĩnh Kế nói: “Theo chỉ đạo của UBND TP, mỗi phường, xã phải bố trí một bãi rác xây dựng. Nhưng trên địa bàn phường hiện không còn quỹ đất để bố trí nên chúng tôi vẫn phải hướng dẫn các chủ nguồn thải đưa sang bãi rác chung của TP”.
Để ngăn ngừa tình trạng đổ chất thải trái quy định, UBND phường Dĩnh Kế đã yêu cầu lực lượng công an, các tổ cựu chiến binh, ban quản lý các tổ dân phố thường xuyên tuần tra, chủ động phát hiện xử lý vi phạm. Tình trạng rác xây dựng bị đổ thải trái phép trên địa bàn tuy giảm song vẫn tái diễn. Một số cá nhân thường lợi dụng buổi tối, ban đêm, thời điểm vắng vẻ để đổ trộm. Khi người dân phát hiện, báo cơ quan chức năng đến thì họ đã “cao chạy, xa bay”.
Dịp cuối năm 2022, UBND phường Dĩnh Kế đã phải huy động cán bộ, người dân tham gia thu gom, vận chuyển 60 xe ô tô chất thải rắn xây dựng đưa sang bãi rác Đa Mai. Mới đây, địa phương tiếp tục phải dọn, di chuyển đống chất thải rắn xây dựng lớn tại khu đất nông nghiệp thuộc tổ dân phố Giáp Sau.
Ở khu vực nông thôn, lượng rác xây dựng ít hơn song hầu hết các địa phương chưa bố trí được khu vực tập kết, xử lý chất thải rắn xây dựng. Theo lãnh đạo UBND xã Hương Gián (huyện Yên Dũng), để rác xây dựng không bị đổ tràn lan, bảo đảm mỹ quan, vệ sinh môi trường, xã đã hướng dẫn các chủ nguồn thải đưa về một số khu vực chứa tạm, tuy nhiên, nếu lượng rác ngày càng nhiều thì không biết sẽ lưu giữ ở đâu?!.
Trao đổi về nội dung này, ông Ong Thế Viên, Trưởng Phòng Quản lý đô thị huyện Yên Dũng cho hay: Một phần lớn chất thải phát sinh trong quá trình xây dựng, sửa chữa công trình, nhà ở được người dân tận dụng san lấp tại chỗ các công trình hoặc vườn, ao... Tuy nhiên, vẫn còn một số khó tái chế sử dụng, ví dụ như các mảng bê tông từ công trình phá dỡ ra không thể tận dụng được nhưng lại chưa có đơn vị thu gom, xử lý. Trong khi việc bố trí quỹ đất để xử lý chất thải rắn xây dựng tại các xã, thị trấn rất khó khăn. Hiện đơn vị chỉ có thể hướng dẫn các địa phương bố trí tạm điểm lưu giữ số chất thải này cho gọn gàng.
Thông tin từ Sở Xây dựng, việc thiếu các trạm chung chuyển, lưu giữ, xử lý chất thải rắn xây dựng là thực trạng chung trên địa bàn tỉnh.
Ban hành quy định quản lý
Trước thực trạng chất thải xây dựng gây ảnh hưởng đến môi trường, mỹ quan khu dân cư, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Xây dựng Bắc Giang đang tập trung nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh xây dựng, ban hành Quy định về quản lý loại chất thải này trên địa bàn tỉnh. Hiện dự thảo quy định đã cơ bản xây dựng xong, đã chuyển cho các ngành, UBND các huyện, TP đóng góp ý kiến hoàn thiện để sớm chuyển các ngành liên quan thẩm định và trình UBND tỉnh xem xét, ban hành thời gian tới.
Ảnh chụp tại xã Yên Lư (Yên Dũng). |
Dự thảo văn bản quy định cụ thể trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong quản lý chất thải rắn xây dựng: Từ khâu phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển trung chuyển, tái chế, tái sử dụng đến khâu xử lý; trách nhiệm của chủ nguồn thải; tổ chức, cá nhân tham gia thu gom, vận chuyển, chủ cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý… Quy định cũng khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng theo phương thức đối tác công tư và hình thức đầu tư khác phù hợp với quy định của pháp luật. Các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn xây dựng được ưu đãi và hỗ trợ theo quy định.
Dự thảo quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn tỉnh khi được ban hành sẽ là văn bản pháp lý quan trọng, tạo thuận lợi cho các đơn vị, địa phương triển khai việc quản lý, xử lý chất thải rắn phát sinh trong quá trình xây dựng, đưa công tác này vào nền nếp". Ông Vương Tuấn Nghĩa, Giám đốc Sở Xây dựng. |
Theo ông Vương Tuấn Nghĩa, Giám đốc Sở Xây dựng, hiện trên cả nước mới có 9 tỉnh, TP ban hành quy định quản lý chất thải rắn xây dựng; Bắc Giang dự kiến là tỉnh thứ 10 ban hành quy định này.
Dự thảo quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn tỉnh khi được ban hành sẽ là văn bản pháp lý quan trọng, tạo thuận lợi cho các đơn vị, địa phương triển khai việc quản lý, xử lý chất thải rắn phát sinh trong quá trình xây dựng, đưa công tác này từng bước vào nền nếp.
Tuy nhiên, để văn bản này phát huy hiệu quả trên thực tế, trước hết cần sự vào cuộc tích cực của UBND các huyện, TP trong việc sớm quan tâm quy hoạch quỹ đất, khu vực xử lý chất thải rắn xây dựng. Về phía UBND các phường, xã, thị trấn, cần phát huy trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng; lập danh sách các công trình khởi công xây dựng hoặc phá dỡ, khối lượng chất thải dự kiến phát sinh, danh sách các cơ sở thu gom, vận chuyển và các cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn trên địa bàn để thông tin công khai, giúp các đối tượng có liên quan biết và phối hợp hiệu quả trong việc thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn xây dựng.
Tuấn Dương
Ý kiến bạn đọc (0)