Bộ luật Hình sự hiện hành: Mở rộng chủ thể vi phạm trong giao thông đường bộ
Hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ có thể bị phạt tù cao nhất từ 20 năm đến chung thân. Ảnh minh họa |
Người đi bộ vi phạm cũng có thể bị phạt tù
Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, có hiệu lực đầu năm 2018 mở rộng hơn về chủ thể vi phạm an toàn giao thông phải chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, nếu như Điều 202 của BLHS 1999 có tên gọi là “Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, thì Điều 260 của luật hiện hành sửa thành “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Việc thay đổi tên điều luật cho thấy có sự thay đổi cơ bản về chủ thể thực hiện tội phạm đối với tội danh này. Nếu trước đây, chủ thể phạm tội chỉ là người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ thì nay là tất cả người tham gia giao thông đường bộ nếu vi phạm đều có thể bị phạt tù.
“Người tham gia giao thông gồm người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ”. Còn “Người điều khiển phương tiện gồm người điều khiển xe cơ giới, xe thô sơ, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.”
Điều 260 quy định 6 nội dung với những hình phạt cụ thể đối với người tham gia giao thông đường bộ vi phạm. Từ khoản 1 đến khoản 3 quy định khung hình phạt theo hướng tăng dần tương ứng với hành vi vi phạm và hậu quả gây ra. Theo đó, hình phạt được áp dụng từ cải tạo không giam giữ, phạt tù từ 1- 15 năm. Hình thức phạt tiền được áp dụng như là hình phạt chính trong một số trường hợp với mức phạt từ 30- 100 triệu đồng. Mức phạt tiền đã tăng lên đáng kể so với trước đây là từ 5- 50 triệu đồng. Một số nội dung về hậu quả của hành vi phạm tội tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 260 được quy định chi tiết như làm chết người hoặc gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của một hoặc nhiều người với tỷ lệ tổn thương cơ thể cụ thể; gây thiệt hại về tài sản có giá trị cụ thể tại từng khoản. Quy định này tạo thuận lợi cho việc áp dụng trên thực tế.
Khoản 4 quy định riêng về hình phạt đối với người tham gia giao thông đường bộ khi có hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31- 60% hoặc gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của hai người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31- 60%. Hình phạt được áp dụng là phạt tiền từ 30- 100 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Một số trường hợp thực tế về vi phạm được quy định tại khoản 5, đó là vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời. Người phạm tội có thể bị xử phạt bằng một trong các hình thức: Phạt tiền từ 10- 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng- 1 năm. Ngoài hình phạt chính, người phạm tội có thể bị tuyên phạt hình phạt bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1- 5 năm.
Tổ chức đua xe có thể bị phạt tù chung thân
Theo quy định của luật, người phạm tội tổ chức đua xe có thể bị xử lý rất nghiêm khắc, với các hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tiền đến 100 triệu đồng, phạt tù từ 1- 20 năm hoặc tù chung thân trong các trường hợp: Làm chết 3 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 201% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên.
Người phạm tội đua xe trái phép tùy theo mức độ vi phạm, hậu quả gây ra mà có thể bị áp dụng các hình thức như phạt tiền đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm, phạt tù từ 3 tháng đến 15 năm.
Bộ luật Hình sự hiện hành còn quy định nhiều hành vi vi phạm an toàn giao thông đường bộ khác có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng cho người khác và xã hội. Đó là, tội cản trở giao thông đường bộ (Điều 261); tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông (Điều 262)... Hình phạt áp dụng theo quy định đối với các tội danh nêu trên khá nghiêm khắc, thông qua đó bảo đảm tính răn đe riêng và phòng ngừa chung.
Hoàng Văn Lợi
Ý kiến bạn đọc (0)