Tuyển chọn, nhân giống vú sữa ở Tân Yên: Mở hướng thâm canh, nâng thu nhập
Ông Nguyễn Văn Cường, thôn Cửa Sông, xã Hợp Đức (Tân Yên) kiểm tra, theo dõi quá trình sinh trưởng cây vú sữa của gia đình. |
Khảo sát thực tiễn
Cây vú sữa được đưa vào trồng bằng hạt lần đầu tiên tại huyện Tân Yên cách đây hơn 30 năm, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Trung bình 1 ha vú sữa trồng 200 cây, năm thứ 8- 10 thu từ 60 - 80 kg quả/cây, giá bán 20 nghìn đồng/kg, thu nhập đạt 240 - 320 triệu đồng/ha, cao hơn 2 - 3 lần trồng vải thiều.
Hiện tại, diện tích trồng vú sữa của huyện mới đạt khoảng 20 ha, tập trung chủ yếu ở xã Hợp Đức và một số xã lân cận. Trong quá trình mở rộng diện tích, người dân nhân giống bằng gieo hạt hoặc chiết cành. Do nhân giống bằng hạt nên vú sữa ở Tân Yên đã bị phân ly; năng suất, chất lượng không đồng đều. Khi nhân giống bằng chiết cành, do không được tuyển chọn, đánh giá nên cành chiết một phần bị tận dụng từ những cây sinh trưởng, phát triển không tốt.
Mặt khác, nếu để tự nhiên, cây to cao, thu hoạch và phòng trừ sâu bệnh sẽ khó khăn, mã quả xấu, gây tổn thất trong thu hoạch. "Chúng tôi đã tiếp cận những công trình nghiên cứu ở trong và ngoài nước liên quan đến đề tài với mục đích chọn được những cây đầu dòng đạt tiêu chuẩn làm giống. Hoàn thiện quy trình kỹ thuật thâm canh và nhân giống cây vú sữa phù hợp với điều kiện sinh thái của huyện Tân Yên", Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, Chủ nhiệm đề tài nói.
Năng suất dự kiến tăng 15-20%
"Nghiên cứu tuyển chọn cây đầu dòng và một số biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất, chất lượng cây vú sữa tại huyện Tân Yên" là đề tài khoa học cấp tỉnh do Sở Khoa học và Công nghệ làm cơ quan chủ quản, dự kiến kết thúc vào tháng 10-2018. Đề tài nhằm giúp các hộ có được cây giống ưu việt, góp phần nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người trồng. |
Triển khai dự án, các chuyên gia đã chọn 7 hộ trồng vú sữa lâu năm có diện tích lớn ở thôn Cửa Sông, xã Hợp Đức. Qua khảo sát, nghiên cứu 40 cây, các nhà khoa học xác định được 7 đối tượng sâu bệnh gây hại và tuyển chọn được 21 cây đầu dòng đáp ứng đủ các tiêu chí, được Sở Nông nghiệp và PTNT thẩm định đạt tiêu chuẩn. Những cây này khỏe mạnh, không nhiễm các đối tượng sâu hại nguy hiểm; tuổi cây từ 8 năm trở lên, có ba năm ra quả liên tục, mẫu mã đẹp. Năng suất quả từ 80-150 kg/cây; khối lượng 300 gram/quả; tỷ lệ cùi hơn 40%.
Các nhà khoa học đã tiến hành phương pháp lấy mắt cây lai ghép tạo ra những vườn cây mẹ đầu dòng để nhân rộng. Hiện nay, dự án đã triển khai trồng 2 ha theo kỹ thuật mới được tuyển chọn từ cây đầu dòng tại thôn Cửa Sông. Cùng đó, cơ quan chủ trì dự án cũng phối hợp với các đơn vị chức năng của huyện tập huấn kỹ thuật cho 200 lượt người ở xã Hợp Đức và một số xã khác.
Theo tính toán, nếu giống vú sữa cũ trồng sau 8 năm mới cho thu hoạch nhưng với việc tuyển chọn cây đầu dòng và trồng theo kỹ thuật mới chỉ mất ba năm. Dự kiến, năng suất tăng 15 - 20% so với đại trà, mẫu mã và chất lượng quả được cải thiện. Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, tiêu thụ vú sữa Hợp Đức - một trong những hộ tham gia dự án chia sẻ: “Dù năm nay chưa được thu hoạch quả nhưng qua quá trình trồng, chăm sóc, chúng tôi rất phấn khởi vì cây được cấy ghép sinh trưởng tốt, ít bị sâu bệnh, quả đều, tỷ lệ bị rám ít”.
Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ, đây là một trong những dự án triển khai có hiệu quả khá tốt, vượt tiến độ, được cơ quan chuyên môn đánh giá cao. Từ thành công bước đầu của dự án, hiện Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Yên đang tham mưu xây dựng đề án nhân rộng diện tích trồng vú sữa từ những giống cây đầu dòng đã được tuyển chọn. Dự kiến đến năm 2020, diện tích trồng cây vú sữa của huyện đạt khoảng 100 ha, tăng 80 ha so với hiện tại.“Căn cứ vào diện tích, lượng cây đầu dòng do Viện Nghiên cứu rau quả cung cấp và điều kiện thực tiễn từng xã, trong những năm tới, huyện sẽ khảo sát, lên kế hoạch trồng thâm canh để đạt mục tiêu đề ra”, bà Đào Thu Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Yên nói.
Công Doanh
Ý kiến bạn đọc (0)