Tân Yên xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Xây dựng nông thôn mới - phong trào của toàn dân
Xây dựng NTM được Tân Yên xác định là nhiệm vụ trọng tâm, trở thành phong trào của toàn dân với phương châm người dân là chủ thể.
Sau 10 năm triển khai, bằng nguồn ngân sách, nguồn vốn từ các doanh nghiệp và đóng góp của nhân dân, Tân Yên đã huy động được 3.570 tỷ đồng đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất. Toàn huyện đã đầu tư cứng hóa, làm mới và mở rộng được 1.215,17km đường giao thông nông thôn; tỷ lệ phòng học kiên cố của huyện đạt 95%; 100% nhà văn hóa, khu thể thao, điểm sinh hoạt văn hóa của thôn, xã đều đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Huyện cũng đã tập trung huy động nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; xây dựng, cải tạo, nâng cao chất lượng công trình văn hóa, giáo dục, y tế: Hệ thống trường mầm non, tiểu học, THCS đều đạt chuẩn quốc gia, 99,5% người dân tham gia bảo hiểm y tế, 99,5% hộ dân được cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh.
Trong chăn nuôi và thủy sản, Tân Yên là huyện có số lượng đàn lợn lớn nhất tỉnh Bắc Giang. Chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại (huyện có 381 trang trại tổng hợp, doanh thu trên 1,5 tỷ đồng/trang trại/năm). Nhãn hiệu “Lợn sạch Tân Yên” hàng năm cung cấp ra thị trường gần 20 nghìn tấn lợn hơi.
Huyện Tân Yên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020, sớm trước 1 năm so kế hoạch. |
Sản xuất thủy sản theo hướng thâm canh và bán thâm canh, đạt tiêu chuẩn VietGAP, an toàn sinh học được mở rộng đạt 1.370 ha, trong đó diện tích nuôi chuyên canh là 1.265 ha, sản lượng đạt 8.350 tấn; có 6 vùng nuôi thuỷ sản tập trung quy mô 75 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Huyện đã xây dựng và phát triển 7 nhãn hiệu hàng hoá đối với sản phẩm chủ lực, đặc trưng của huyện (gồm: Lạc giống Tân Yên, vải sớm Phúc Hòa, lợn sạch Tân Yên, mỳ gạo Châu Sơn, vú sữa Tân Yên, ổi lê Tân Yên, hành tía); 2 sản phẩm OCOP cấp tỉnh; mở rộng thị trường tiêu thụ; xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm sâm Nam núi Dành. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt 152 triệu đồng/năm. Hết năm 2020, huyện Tân Yên chỉ còn 1,75% hộ nghèo (tương ứng với 886 hộ), vượt xa so với mục tiêu đề ra.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái và các đồng chí lãnh đạo huyện Tân Yên cắt băng khánh thành Nhà văn hóa thôn Vân Chung, xã Lam Cốt rộng gần 300 mét vuông, kinh phí xây dựng hơn 1,6 tỷ đồng. |
Giờ đây, bộ mặt nông thôn của huyện thay đổi rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn từng bước được cải thiện; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn; tình hình an ninh chính trị, trật tự trên địa bàn được giữ vững, ổn định.
Huy động hiệu quả nguồn lực xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao
Với phương châm “Xây dựng NTM là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, Tân Yên phấn đấu đến năm 2025 đạt huyện NTM nâng cao. Theo đó, cấp xã có ít nhất 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 2 xã đạt xã NTM kiểu mẫu. Mỗi xã có ít nhất 1 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu. Chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ gắn với phát huy tiềm năng vùng trồng cây ăn quả chuyên canh, di tích lịch sử, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Núi Dành - nơi có sản phẩm sâm Nam nổi tiếng của huyện Tân Yên. |
Để đạt được mục tiêu trên, huyện đề ra giải pháp cụ thể như sau:
Một là, quan tâm đẩy mạnh khai thác các nguồn lực. Huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân, vốn ngân sách các cấp; thu hút đầu tư phát triển công nghiệp và dịch vụ, tranh thủ sự đóng góp của doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn để giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để phát triển giao thông, công nghiệp và đô thị.
Hai là, tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, phấn đấu đạt giá trị 175 triệu đồng/ha canh tác. Có cơ chế ưu đãi hấp dẫn để huy động người dân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần quan trọng phát triển nền nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao.
Trung tâm hành chính huyện Tân Yên. |
Ba là, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và tổ chức các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới từ huyện đến cơ sở nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”. Tiếp tục huy động các nguồn lực để thực hiện chương trình, đặc biệt là nguồn xã hội hóa trong dân. Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và cộng đồng thực sự làm chủ trong xây dựng nông thôn mới theo cơ chế đầu tư đặc thù.
Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở thôn Trám, xã Phúc Sơn. |
Bốn là, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính, tích cực xây dựng chính quyền điện tử. MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội đổi mới phương thức hoạt động, khắc phục tính hành chính hóa...
Đinh Đức Cảnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tân Yên
Ảnh: Thành Sơn - PV
Ý kiến bạn đọc (0)