Nơi ghi dấu vị quan thanh liêm Giáp Đăng Luân
Lăng Phục Chân Đường. |
Lăng Phục Chân Đường có niên đại thời Hậu Lê 1728, vốn do đích thân Giáp Đăng Luân chọn mua làm nơi yên nghỉ khi về cõi. Giáp Đăng Luân trải qua nhiều chức quan trong triều Lê - Trịnh và được ghi nhận là vị quan thanh liêm. Khi về hưu, ông đã trợ giúp nhân dân khai đất lập làng, xây dựng cầu, hỗ trợ làm đình, chùa.
Lăng có diện tích khoảng 500m2 là công trình kiến trúc cổ còn khá nguyên vẹn. Toàn bộ lăng được bao bọc bởi tường xây gạch cổ, xen các khối đá xanh thẫm. Di vật quan trọng ở Trung Đường là hai bia đá cùng khắc vào năm 1729 (trước khi ngài mất 8 năm). Bia số 1 (bên trái) khắc vào cuối Hạ, bia số 2 (bên phải) khắc vào giữa Thu, nét chữ to, đẹp, rõ. Ngôi chính đường có khám và bệ thờ đặt đồ thờ, ngai, bài vị. Hai bên khám có đủ long chùy, chấp kích uy nghi. Đáng chú ý nhất ở đây là bài vị và bức hoành phi. Bài vị ghi: “Tiền đặc tiến, Phụ quốc thượng tướng quân, Phong tặng Tham đốc thượng trụ quốc, Lập quận công, Giáp tướng công đại vương, Thần vị”. Theo đó Giáp Đăng Luân, trước được đặc tiến “Phụ quốc thượng tướng quân”, sau đó được phong tặng “Tham đốc, thượng trụ quốc, Lập quận công”.
Như vậy theo quan chế triều Lê, ngài được xếp vào hàng Tòng Nhị phẩm. Bức hoành phi lớn treo giữa từ đường ca ngợi đức độ của Ngài với hàng đại tự: “Đức hinh sơn”. Nghĩa là Đức thơm lừng núi sông. Điều này gợi nhớ đến nội dung được ghi trong văn bia “Đức hinh sơn ngưỡng từ bi ký” của dòng họ Giáp tại thôn Đông La, xã Quế Nham, viết vào năm 1724: “Lập nghĩa hầu Giáp Đăng Luân… luôn lấy khiêm nhường để răn bản thân, giàu có không xa xỉ kiêu ngạo, đem hết sức mình để làm việc chung, lấy điều hiền thảo dạy bảo con cháu, lấy điều khoan với dân, được người đời truyền tụng và là niềm tự hào của dòng họ. Đã cấp cho bản xã 10 mẫu ruộng, 100 lượng bạc, 500 quan tiền sử…” và câu chuyện tương truyền trong dân gian, chính Lập Quận Công là người giúp dân xây dựng cầu Kim Tràng xưa, nên cầu có tên cầu Quận.
Phục Chân Đường trước đây có ba toà nhà lớn, mỗi nhà 5 gian làm theo lối chồng diêm, chữ tam, kề nhau với các tòa tiền đường, trung đường và chính đường (ba tòa nhà được gọi với cái tên chung là Phục Chân Đường). Tiền đường là ngôi nhà để các linh vật đá, linh nhân đá. Hai con nghê đá ngồi uy nghiêm hai bên hồi. Bốn viên thị thư được tạo dáng gần bằng người thật túc trực hai hàng. Đáng tiếc là cách đây vài chục năm, người ta đã dỡ đi mất ngôi tiền đường nên Phục Chân Đường bây giờ chỉ còn lại hai nhà trung đường và chính đường. Lăng Phục Chân Đường có hệ thống tượng đá vô cùng phong phú cùng những tấm bia đá rất có giá trị. Đây cũng là khu lăng mộ cổ tiêu biểu nhất trên địa bàn huyện và được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 1988.
Phía sau Phục Chân Đường là khu mộ - nơi an nghỉ của Lập nghĩa hầu Giáp Đăng Luân. Trên cổng vào khu mộ khắc ba chữ Hán: Tiêu Dao Am (Am của một người thong thả chơi xa). Tại Tiêu Dao Am, các di vật bằng đá được bài trí cân đối, hài hoà theo một trục thẳng từng đôi một. Hai con chồn nghểnh đầu bên giả sơn... Bốn viên thị thư túc trực hai hàng ở trung đường. Hai nữ quan gần cửa được tạo dáng gần giống nhau, đội mũ trùm đầu xuống gáy gọn gàng, mình mặc áo giáp ngắn, cổ tròn, có nẹp nổi với hai đinh đồng, cúc bạc gắn dọc từ cổ xuống đai lưng. Đáng lưu ý ở đây có hai linh thú rất lạ được bày đặt đối diện nhau nằm phủ phục trên bãi cỏ. Thú có đầu tròn, mặt như thể cúi xuống, dấu kín vào hai chân trước, lưng cong kéo vồng xuống mông, hai chân trước xoài rộng ra hai bên... Tất cả đã tạo nên một quần thể di vật đá được chạm khắc tinh tế, điêu luyện, mang phong cách đặc trưng thời Lê Trung Hưng (thế kỉ XVIII).
Nguyễn Văn Hợi
Ý kiến bạn đọc (0)