Lợi ích “kép” từ trồng nghệ dưới tán vải thiều
Cách đây vài năm, được người thân giới thiệu về giá trị của cây nghệ đỏ cũng như nhu cầu của thị trường, ông Trần Văn Định ở thôn Lân Thịnh, xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên (Bắc Giang) mạnh dạn đưa về trồng thử nghiệm dưới tán vải thiều. Một thời gian sau, cây nghệ đỏ được nhiều người dân trong xã đưa về trồng ở vườn nhà. “Nghệ đỏ là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, có đặc tính miễn dịch với nhiều loại sâu bệnh”, ông Định chia sẻ.
![]() |
Cán bộ khuyến nông xã Phúc Hòa kiểm tra quá trình phát triển của nghệ đỏ dưới tán vải thiều. |
Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, nghệ trồng môt năm là cho thu hoạch. Thông thường thời vụ thu hoạch vào cuối tháng 12 với năng suất từ 1,5-2 tấn/sào. Với giá bán từ 8 - 10 nghìn đồng/kg nghệ tươi, người dân thu lãi hơn 1 triệu đồng/sào.
Đặc biệt, nếu trực tiếp chế biến thành tinh bột nghệ với cách làm thủ công không khác gì làm tinh bột dong thì lợi nhuận cao hơn. Cụ thể, với 1,5 đến 2 tấn nghệ tươi có thể làm ra gần 100 kg tinh bột nghệ. Hiện trên thị trường, tinh bột nghệ bán với giá 600 nghìn đồng/kg, trừ chi phí lãi 300 nghìn đồng/kg.
Nhận thấy tiềm năng phát triển của cây nghệ, đầu năm 2018, UBND xã Phúc Hòa giao cán bộ khuyến nông xã xây dựng Đề án trồng nghệ dưới tán vải sớm với quy mô 8 nghìn m2. Theo đó, 3 hộ dân trồng vải của thôn Lân Thịnh tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giá giống và tư vấn kỹ thuật.
Theo chị Nguyễn Thị Nhung, cán bộ khuyến nông xã, đất trồng nghệ yêu cầu giàu chất dinh dưỡng, tơi xốp và có thành phần cơ giới đất trung bình hoặc nhẹ. Do đó, cây nghệ rất phù hợp với các vườn vải sớm trên địa bàn xã bởi sẽ tiết kiệm được phân bón, thuốc trừ sâu và công chăm sóc.
Điển hình như việc phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây vải thời kỳ ra quả non, lượng thuốc rơi xuống tán cây có tác dụng phòng trừ sâu bệnh luôn cho cây nghệ. Ngược lại, việc tưới nước cho nghệ sẽ bổ sung độ ẩm để cây vải sinh trưởng. Vì thế hai tầng kinh tế vải thiều thu hoạch ở bên trên và nghệ bên dưới đều phát triển tốt.
Vẫn còn sớm để khẳng định hiệu quả của mô hình trồng nghệ dưới tán vải thiều song kết quả bước đầu cho thấy cây nghệ đỏ đang bén duyên với nông dân xã Phúc Hòa và đây có thể là giải pháp tốt để nâng cao hiệu quả kinh tế với những vùng trồng vải thiều khác tại huyện Tân Yên.
Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc (0)