Hội thảo khoa học lịch sử vùng đất, con người và định hướng phát triển KT-XH thị trấn Nhã Nam
Đồng chí Đỗ Đức Hà phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: Châu Giang. |
Các đồng chí: Đỗ Đức Hà, Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Đinh Đức Cảnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tân Yên dự.
Hội thảo có sự tham dự của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hoá ở T.Ư và địa phương như: Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Trần Nhân Tông, Viện nghiên cứu Kinh Thành, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an tỉnh, huyện Tân Yên, Bảo tàng tỉnh...
Thị trấn Nhã Nam với vị trí "cửa rừng - trước núi", nằm ở giao điểm giữa 2 tuyến giao thông quan trọng là quốc lộ 17 và tỉnh lộ 294 nên từ hàng thế kỷ nay luôn có vai trò trong lịch sử thời cận đại của vùng đất Tân Yên - Cầu Vồng, trở thành đầu mối giao thông đường bộ để thông thương với các vùng, các tỉnh lân cận. Sau khi sáp nhập, thị trấn Nhã Nam hiện có tổng diện tích hơn 5,6km², dân số 8.200 người, 17 tổ dân phố.
Trình bày đề dẫn Hội thảo, đồng chí Ngô Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên cho biết: Nhã Nam là vùng đất thiêng “Địa linh sinh nhân kiệt” với nhiều chứng tích lịch sử như: Đồi Phủ, đình chùa Nam Sơn, đền Gốc Khế, chùa Tứ Giáp, đình Chuông… và nhiều di tích lịch sử ghi lại cuộc Khởi nghĩa nông dân Yên Thế chống thực dân Pháp của dân tộc ta.
Tiếp nối là chiến thắng đồi Phủ (tháng 7/1945), xóa bỏ ách thực dân, phong kiến và tay sai lập nên chính quyền cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp, Nhã Nam là nơi làm việc của nhiều cơ quan của tỉnh và T.Ư, nơi phát tích "Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân"…
Trải qua các giai đoạn lịch sử, thị trấn Nhã Nam luôn nêu cao tinh thần thượng võ, kiên cường, bất khuất với những đóng góp to lớn trong công cuộc đấu tranh bảo vệ và gìn giữ nền độc lập, giải phóng dân tộc.
Phát huy truyền thống đó, thị trấn Nhã Nam hôm nay đang bứt phá, trở thành trung tâm giao lưu kinh tế, văn hóa, giao thương giữa các vùng miền. Diện mạo làng quê đổi mới khang trang, hòa quyện trong những “trầm tích” của quá khứ hào hùng.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Châu Giang. |
Các tham luận tại Hội thảo tập trung làm rõ lịch sử hình thành vùng đất, con người Nhã Nam; vị thế, vai trò của Nhã Nam trong lịch sử dân tộc; những di tích khởi nghĩa Yên Thế trên địa bàn thị trấn.
Nêu bật truyền thống yêu nước, văn hóa, thượng võ và phong tục tập quán đặc sắc của người Nhã Nam. Phân tích, đánh giá, đưa ra một số giải pháp thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của vùng đất này.
Các đại biểu cũng nêu những thuận lợi, khó khăn hiện nay và chủ trương, định hướng xây dựng thị trấn Nhã Nam gắn với phát triển du lịch địa phương.
Hội thảo là dịp để các nhà quản lý, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá ở T.Ư và địa phương trao đổi, thảo luận; đồng thời cung cấp thêm nguồn tư liệu về lịch sử địa phương; đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá, góp phần quảng bá thành tựu, tiềm năng, thế mạnh, triển vọng phát triển của mảnh đất, con người Nhã Nam.
Cùng đó đề xuất những nhiệm vụ, chủ trương, cơ chế phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng, an ninh, đưa thị trấn Nhã Nam phát triển nhanh, bền vững, xứng tầm là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, cách mạng của huyện Tân Yên.
Đồng chí Ngô Quốc Hưng cho biết, UBND huyện sẽ lĩnh hội các ý kiến tại Hội thảo, qua đó bổ sung vào các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, từng bước xây dựng thị trấn Nhã Nam giàu mạnh về kinh tế, đặc sắc về văn hóa, là điểm đến du lịch hấp dẫn trong hành trình du lịch văn hóa, về nguồn trên địa bàn huyện Tân Yên nói riêng, tỉnh Bắc Giang nói chung.
Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)