Sơn Động: Thị trấn "trẻ" bên sườn Tây Yên Tử
BẮC GIANG - Ngày 1/1/2020, thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động) được thành lập sau khi sáp nhập toàn bộ diện tích, dân số của xã Tuấn Mậu và thị trấn Thanh Sơn. Hơn 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, thị trấn "trẻ" nằm ở phía Tây dãy núi Yên Tử không ngừng phát triển, đời sống người dân nâng lên.
Bức tranh kinh tế khởi sắc
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn lần thứ Nhất nhiệm kỳ 2020-2025 xác định ba trụ cột là động lực phát triển kinh tế - xã hội gồm: Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; du lịch, thương mại dịch vụ và nông - lâm nghiệp gắn với mục tiêu giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân địa phương tiến tới giảm nghèo bền vững.
![]() |
Đồng chí Phùng Đức Minh, Chủ tịch UBND thị trấn (bên trái) nắm bắt tình hình tại cơ sở sản xuất gạch không nung trên địa bàn. |
Theo đồng chí Phùng Đức Minh, Chủ tịch UBND thị trấn, bám sát định hướng, hơn 5 năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn thị trấn huy động nguồn lực tập trung cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông, trường học, y tế, công trình nước sạch, kênh mương nội đồng. Cùng đó, thị trấn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh đăng ký hoạt động, mở rộng quy mô sản xuất, vay vốn ưu đãi... coi đây là giải pháp then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Công ty cổ phần Sản xuất vật liệu xây dựng và Thương mại Tấn Phát, tổ dân phố Thống Nhất là một trong những doanh nghiệp hoạt động uy tín, tích cực ở địa phương. Trong tiếng máy chạy ì ầm, anh Thân Văn Do (sinh năm 1980) cùng nhóm thợ đang tập trung kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi giao cho khách. Anh Do chia sẻ trước đây từng đi nhiều nơi, trải qua nhiều nghề nhưng cuộc sống xa nhà phát sinh nhiều chi phí nên chẳng dành dụm được là bao. Mấy năm nay, anh trở về quê và vào Công ty làm việc. Công việc gần nhà lại có thu nhập ổn định giúp anh thêm thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình 5 người.
Cùng với anh Do, gần 30 lao động đều là người dân trên địa bàn thị trấn cũng yên tâm gắn bó với công việc. Bởi lẽ, ngoài mức lương ổn định, người lao động còn được doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần trong các dịp Tết cổ truyền, ngày lễ lớn. Trung bình mỗi năm, doanh nghiệp cung ứng cho thị trường hơn 7 triệu viên gạch không nung, doanh thu đạt hơn 12 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 30 lao động địa phương với thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/tháng.
Ước đến hết năm 2025, tổng giá trị sản xuất của thị trấn đạt 269 tỷ đồng (tăng 55,7% so với năm 2020); thu nhập bình quân đầu người đạt 38,2 triệu đồng (tăng 13,3 triệu đồng so với năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 11 % (giảm khoảng 13% so với năm 2020)... |
Trên địa bàn có 45 cơ sở sản xuất kinh doanh chủ yếu là sản xuất gạch không nung, cơ khí, mộc dân dụng, chế biến gỗ.... thu hút gần 1 nghìn người lao động làm việc. Một số đơn vị phát triển bền vững nhờ khai thác tốt sản vật của vùng cao như Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thảo Mộc Linh. Với công nghệ sản xuất tiên tiến với bí quyết gia truyền của đồng bào dân tộc Dao, đến nay Hợp tác xã đã xây dựng thành công sản phẩm rượu men lá, măng mai, mật ong đạt OCOP 3 sao, phân phối rộng rãi trên thị trường.
Cùng với quan tâm phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hoạt động thương mại - dịch vụ cũng có nhiều khởi sắc. Nếu như trước đây, người dân muốn mua vật tư nông nghiệp, đồ điện tử, điện lạnh, xăng dầu, khí đốt... phải đi hàng chục cây số ra trung tâm huyện thì nay hệ thống cửa hàng kinh doanh dịch vụ với nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ước đến hết năm 2025, tổng giá trị sản xuất của thị trấn đạt 269 tỷ đồng (tăng 55,7% so với năm 2020); thu nhập bình quân đầu người đạt 38,2 triệu đồng (tăng 13,3 triệu đồng so với năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 11 % (giảm khoảng 13% so với năm 2020)...
Nhiều dư địa phát triển
Trở lại thị trấn Tây Yên Tử trong những ngày tháng Năm, điều dễ nhận thấy là hệ thống giao thông không ngừng phát triển, tăng tính kết nối, rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển từ trung tâm của thị trấn đến các vùng lân cận. Dọc trục đường chính của các tổ dân phố Thống Nhất, Thành Chung, Đoàn Kết... xuất hiện những tuyến đường hoa, cây tiểu cảnh sắc màu rực rỡ xen giữa các ngôi nhà cao tầng khang trang, hiện đại.
Ông Nguyễn Huy Thinh, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Thống Nhất cho hay, sau khi địa phương xây dựng, mở rộng trục đường giao thông dài gần 1 km, rộng hơn 7 m (mặt đường 5 m), bà con thường xuyên vệ sinh môi trường, nhắc nhau trồng những khóm hoa tươi, cây lấy bóng mát, tạo không gian xanh cho gia đình và cộng đồng. Từ khi có đường đẹp, khang trang, sạch sẽ, người dân trong khu dân cư đều phấn khởi. Cuối năm ngoái, gần 97% các gia đình đạt danh hiệu văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9%, thấp nhất trong 7 tổ dân phố của thị trấn.
Theo lãnh đạo thị trấn Tây Yên Tử, địa phương còn nhiều dư địa để phát triển. Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách. Bên cạnh đó, trên địa bàn đã quy hoạch Cụm công nghiệp Thanh Sơn rộng 46 ha để thu hút đầu tư. Trong phát triển kinh tế, địa phương coi trọng những giá trị truyền thống, tính đặc thù, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch, bảo vệ môi trường, kết hợp với tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật. Với sự hưởng ứng của người dân, một số lớp truyền dạy tiếng dân tộc, điệu múa, thêu trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc đã được mở; lễ cúng cầu mùa của đồng bào dân tộc được phục dựng.
Thời gian tới, thị trấn quan tâm chỉ đạo ngành chức năng hướng dẫn người dân phát triển con đặc sản (lợn, gà rừng, cầy hương) và các loại cây dược liệu (ba kích, dành dành…). Tăng cường liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Cùng đó, tích cực thu hút doanh nghiệp, hộ kinh doanh mở nhà hàng, dịch vụ ẩm thực, khu vực vui chơi giải trí phục vụ du khách. Tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nội thị, lắp đèn chiếu sáng trên một số trục đường chính, chỉnh trang vỉa hè, xây dựng thị trấn Tây Yên Tử ngày càng phát triển.
Ý kiến bạn đọc (0)