Lục Ngạn: Tập trung chăm sóc vải thiều bị ảnh hưởng sau mưa bão
BẮC GIANG – Sau bão số 3 và mưa lũ, nhiều diện tích vải thiều tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) bị chết, gãy đổ. Có những nhà vườn bị thiệt hại 100%. Hiện người dân đang chờ đất khô hẳn để phá diện tích cây cũ, tập trung trồng thay thế bằng những loại cây ăn quả mới.
Theo thống kê của UBND huyện Lục Ngạn, mưa bão đã làm thiệt hại hơn 6,2 nghìn ha cây ăn quả trên địa bàn (trị giá hơn 760 tỷ đồng). Trong đó, vải hơn 1,4 nghìn ha; táo hơn 2 nghìn ha; cam, bưởi hơn 2,2 nghìn ha và cây ăn quả khác hơn 550 ha. Tại một số khu vực, do nước ở lâu trong vườn nên khi rút đi, gặp trời nắng đã khiến cho nhiều cây ăn quả bị chết.
Vườn vải thiều tại xã Tân Sơn bị đổ, người dân đang cắt tỉa và dựng lại cây. |
Đối với vải thiều, sau khi lũ rút, nhiều diện tích ven sông, suối bị chết khô, không có khả năng phục hồi như tại các xã: Mỹ An, Nam Dương, Quý Sơn, Tân Lập, Thanh Hải, Giáp Sơn…
Tại xã Mỹ An, theo thống kê của UBND xã, trên địa bàn có khoảng 50 ha vải thiều bị ngập nước dẫn đến chết. Gia đình ông Trương Văn Dựng, thôn Đồng Trắng bị chết 200 cây vải, 400 cây táo, 250 cây cam, rụng 30 tấn cam.
“Dự kiến sang tháng 10, khi đất vườn khô ráo tôi sẽ thuê máy múc toàn bộ số cây ăn quả bị chết, kém phát triển để trồng thay thế. Mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ cây giống để gia đình tôi tái đầu tư sản xuất”, ông Dựng nói.
Năm nay, diện tích vải thiều toàn huyện Lục Ngạn đạt hơn 17,3 nghìn ha. Ông Lưu Anh Đức, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện khuyến cáo, đối với vườn cây bị ngập úng cần khẩn trương đào rãnh, khơi thông dòng chảy, bơm hút nước ra khỏi vườn.
Bên cạnh đó, khi nước đã rút, các nhà vườn cần tập trung dọn dẹp cành, cây giập, gãy, đợi đến lúc đất khô ráo thì tiến hành xới nhẹ, phá váng lớp đất mặt giúp đất thông thoáng, khắc phục tổn thương và tái sinh rễ mới.
Đối với những cây bị long gốc tiến hành dậm chặt, vun gốc, sau đó phun thuốc trị nấm hoặc các chế phẩm kháng nấm để giúp cây phục hồi nhanh. Khi bộ rễ cây đã phục hồi tiến hành bón phân hữu cơ kết hợp với phân khoáng, phun phân bón lá để tăng cường khả năng phục hồi của cây.
Theo dõi thường xuyên tình hình sinh trưởng của cây, tình hình sâu bệnh hại sau mưa bão nhằm đưa ra khuyến cáo kịp thời, phù hợp với tình hình sản xuất, bảo đảm khắc phục sản xuất sau mưa bão nhanh gọn, giảm thấp nhất tổn hại về kinh tế.
Cũng theo ông Lưu Anh Đức, với mục tiêu bảo đảm vải thiều đạt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, phục vụ tiêu thụ trong nước, xuất khẩu, thời gian tới địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tích cực tuyên truyền, tập huấn, vận động nông dân áp dụng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, GloablGAP, hữu cơ, sản xuất nông nghiệp sạch.
Nguyễn Hưởng
Ý kiến bạn đọc (0)