Kỹ sư trẻ hiện thực hóa giấc mơ nông nghiệp xanh
BẮC GIANG - Bằng kiến thức chuyên môn, kỹ sư trẻ Trần Thị Hoàn (SN 1998) ở thôn Lam Sơn, xã Kiên Thành (Lục Ngạn) đã ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Qua đó góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Sinh ra và lớn lên tại "thủ phủ" vải thiều Lục Ngạn, cả tuổi thơ Hoàn chứng kiến hình ảnh bố mẹ và những người nông dân chăm chỉ, cần cù, chăm bón từng gốc vải. Vất vả là vậy nhưng vẫn có những vụ mất mùa, công sức cả năm coi như bỏ. Những ký ức ấy là động lực để Hoàn siêng năng học tập, mong sẽ tìm ra cách giúp tăng giá trị cho nông sản địa phương.
Kỹ sư trẻ Trần Thị Hoàn. |
Năm 2016, Hoàn thi đỗ vào phân ngành Vi sinh, chuyên ngành Kỹ thuật sinh học của Đại học Bách khoa Hà Nội. Hồi sinh viên, cô chủ yếu làm các đề tài về xử lý phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân bón hữu cơ. Từ đó, Hoàn nhận ra rằng, trong nông nghiệp không có phế phẩm, chỉ có phụ phẩm. Nếu biết cách sử dụng trong chế biến, sản xuất thì những thứ tưởng chừng không có giá trị sẽ trở thành những sản phẩm có ích, tạo lợi nhuận.
Sau khi tốt nghiệp, bỏ qua lời mời chào của nhiều doanh nghiệp ở thành phố, cô kỹ sư trẻ trở về quê lập nghiệp. Thực tế ở quê Hoàn, quả vải chủ yếu bán thô, những quả kém chất lượng bị thải bỏ với số lượng lớn. Mùi vải lên men trong thời tiết nắng hè oi bức gây mùi chua rất khó chịu, lại dễ thu hút nhiều ruồi bọ, gây ô nhiễm môi trường.
Nhận thấy, những loại quả phụ phẩm vẫn có thể tận dụng để sản xuất các sản phẩm tẩy rửa có nguồn gốc sinh học an toàn, năm 2021, Hoàn cùng một người bạn cùng quê Bắc Giang quyết định khởi nghiệp bằng việc thành lập cơ sở sản xuất, chế biến đường vải thiều và các sản phẩm lên men với số tiền tiết kiệm hơn 30 triệu đồng. Có kiến thức chuyên ngành, Hoàn không mấy khó khăn trong việc sản xuất đường bằng phương pháp nấu cô đặc. Tuy nhiên, với các dòng sản phẩm lên men yếm khí, cô kỹ sư trẻ phải thử nghiệm định lượng nguyên liệu hàng chục lần để có công thức phù hợp cho việc sản xuất đại trà.
Những sản phẩm đầu tiên, Hoàn tặng gia đình, người thân, bạn bè, một số người quen, ai cũng phản hồi tích cực. Cố gắng hoàn thiện từng ngày, đến nay, cơ sở sản xuất của nhóm kỹ sư trẻ có 4 sản phẩm chủ lực gồm: Đường vải thiều phụ phẩm (dùng thay thế các nguồn đường truyền thống để ủ phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học dùng trong nông nghiệp), nước gội đầu bồ kết, nước giặt sinh học và nước tẩy rửa đa năng.
Nhờ sự giúp đỡ của nhiều người, nỗ lực của bản thân, Hoàn và ekip của mình từng bước tìm được thị trường, ổn định sản xuất. Do các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, lành tính, không gây hại cho môi trường, dần dần, sản phẩm đã được nhiều khách hàng biết đến, quan tâm lựa chọn. Ngay sau khi dự án bắt đầu có lợi nhuận, cô chủ trẻ sử dụng 60% số tiền đó để tái đầu tư, xây dựng nhà xưởng, dự trữ nguyên liệu, mở rộng sản xuất, cải tiến máy móc, thiết bị. Với diện tích ban đầu chỉ 35 m2, đến nay cải tạo, nâng cấp lên gần 300 m2.
Sau 3 năm hoạt động, dự án đã hỗ trợ bà con tiêu thụ hơn 14 tấn vải thiều loại nhỏ, sâu cuống, vỡ với giá từ 2-5 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, kỹ sư trẻ còn phát triển thêm một số dòng sản phẩm sử dụng nguyên liệu từ địa phương như: Bồ kết, bồ hòn, trầu không, tía tô, lá ổi, mật ong... Trung bình mỗi tháng, cơ sở xuất ra thị trường 4 nghìn sản phẩm. Doanh thu của cơ sở tăng đều hằng năm. Chỉ tính riêng năm 2023 đạt hơn 1 tỷ đồng. Qua đó, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương, thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng và nhiều lao động thời vụ.
Với những ý nghĩa, hiệu quả mang lại, dự án “Ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến vải thiều phụ phẩm” của kỹ sư trẻ Trần Thị Hoàn đoạt giải Nhì cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Giang năm 2023 do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức.
Bài, ảnh: Thu Thủy
Ý kiến bạn đọc (0)