Dòng họ, gia đình học tập tiêu biểu ở vùng dân tộc thiểu số Lục Ngạn
Ông Dư Văn Báo, thôn Chính, xã Hồng Giang tự hào truyền thống hiếu học của gia đình. |
Noi gương ông bà, bố mẹ
Về xã Giáp Sơn một ngày đầu tháng Mười, chúng tôi được nghe người dân kể chuyện về dòng họ Lục - dân tộc Sán Dìu nhưng có truyền thống hiếu học. Trong căn nhà mái lợp ngói ngả màu nâu cánh gián, ông Lục Văn Hữu, 58 tuổi, thôn Trại Bèo tự hào kể về truyền thống của dòng họ: "Khi tôi còn nhỏ đã được các cụ dạy bảo gắng học để làm người. Nhỏ thì học chữ, sau lớn lên thì học thêm nghề để phát triển kinh tế, đẩy lùi đói nghèo". Với quan niệm làm gì cũng phải có kiến thức nên các gia đình xoay sở, vun vén lo cho các con, cháu được đi học. Thế hệ sau nối tiếp truyền thống, đến nay, trong họ có nhiều người đang đảm nhiệm nhiều vị trí công tác quan trọng trong các cơ quan, doanh nghiệp.
Về phần mình, ông Hữu chia sẻ từng có thời gian gần 10 năm đảm nhiệm vai trò là Trưởng thôn Trại Bèo. Dù tuổi không còn trẻ song ông luôn ý thức học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước, gương mẫu đoàn kết cùng bà con phát triển kinh tế, đẩy lùi đói nghèo. Gia đình có 11 miệng ăn nhưng vẫn xoay sở để 7 người con được ăn học. Giờ đây, 4 người con gái đã xây dựng gia đình, ba con trai là: Lục Văn Quang (SN 1989) tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, hiện công tác tại Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Lục Ngạn; Lục Văn Bảo (SN 1991), vừa tốt nghiệp Khoa Quản lý đất đai, Trường Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên; còn con trai út là Lục Văn Cường (SN 1993) đang là sinh viên Trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang tại Hà Nội. Vợ chồng ông Hữu tự hào các con đều chăm ngoan, đoàn kết.
Gia đình “giàu” nhất thôn
Đó là câu nói người dân thôn Chính, xã Hồng Giang khi nhắc về gia đình ông Dư Văn Báo (SN 1965). Không chỉ dẫn đầu nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật canh tác với mô hình trồng vải thiều, cam Đường Canh, cam Vinh, bưởi Diễn mang lại thu nhập cao, tài sản lớn nhất của vợ chồng ông có được là 3 người con đều chăm ngoan, học giỏi. “Tôi chỉ học đến lớp 7 rồi đi bộ đội, sau về địa phương xây dựng gia đình, phát triển kinh tế. Muốn các con sau này có cuộc sống ổn định, dù vất vả mấy vợ chồng tôi cũng cố gắng lo cho các cháu được đi học”, ông Báo chia sẻ.
Tôi chỉ học đến lớp 7 rồi đi bộ đội, sau về địa phương xây dựng gia đình, phát triển kinh tế. Muốn các con sau này có cuộc sống ổn định, dù vất vả mấy vợ chồng tôi cũng cố gắng lo cho các cháu được đi học”. Ông Dư Văn Báo |
Gia đình ông Báo kinh tế thuần nông, bao nhiêu năm chắt chiu tích lũy từ ruộng vườn đều lo cho các con ăn học. Thương cha mẹ tảo tần, 3 con đều gắng học. Chỉ về tấm giấy khen treo trên tường, ông Báo khoe: “Đó là con cả Dư Văn Trường (SN 1988), được giữ lại làm giảng viên Khoa Tâm lý, Trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang (Hà Nội)". Trường vừa bảo vệ luận án thạc sĩ. Suốt năm tháng học phổ thông và chuyên nghiệp, cậu học trò này liên tục được nhà trường, địa phương biểu dương tinh thần hiếu học. Noi theo tấm gương học tập của anh, em gái Dư Thị Trang (SN 1990) học Trung cấp Y Dược Bắc Giang, em Dư Văn Chinh (SN 1992) nay công tác tại Công an huyện Sơn Động.
Ông Lê Kim Đoàn, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Lục Ngạn chia sẻ, kết quả bình xét năm 2017, toàn huyện có hơn 10 nghìn gia đình, 147 dòng họ và 100 đơn vị đạt tiêu chí thi đua về gia đình, dòng họ, đơn vị học tập. Thời gian tới, Hội tiếp tục tuyên truyền đẩy mạnh phong trào, vận động phát triển hội viên, quan tâm xây dựng quỹ khuyến học, kịp thời khen thưởng, động viên các mô hình tiêu biểu.
Hải Vân
Ý kiến bạn đọc (0)