Tiếp sức nông dân phát triển kinh tế
BẮC GIANG - Nhằm tiếp sức cho nông dân phát triển kinh tế, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh huyện Lục Nam (Agribank Lục Nam) triển khai hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nông dân có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập.
Sử dụng vốn vay hiệu quả
Tôi cùng cán bộ Agribank Lục Nam đến thăm mô hình sản xuất dưa của anh Lê Hiếu Khiên (SN 1981), thôn Trại Quản (xã Tam Dị) đúng thời điểm vợ chồng anh đang xuống giống vụ dưa mới tại khu nhà lưới vừa được gia cố sau bão số 3.
Cán bộ Agribank Lục Nam nắm bắt hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay tại gia đình anh Lê Hiếu Khiên. |
Theo lời anh Khiên, bố mẹ là nông dân nên từ nhỏ anh đã gắn bó với đồng ruộng. Trước đây, trên diện tích hơn 5 sào ruộng bố mẹ cho, vợ chồng anh duy trì canh tác 2 vụ lúa, 1 vụ màu. Để nâng cao giá trị, năm 2019, anh xây dựng nhà lưới rộng gần 2 nghìn m2 trên diện dích đất nông nghiệp của gia đình từ chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 130 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016-2020.
Để có vốn sản xuất, anh được Chi hội Nông dân thôn hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ vay vốn ưu đãi 300 triệu đồng từ Agribank Lục Nam. Có hạ tầng, có vốn, vợ chồng anh duy trì sản xuất 3 vụ dưa/năm (chủ yếu dưa lưới, dưa chuột baby). Nhờ có kinh nghiệm nhiều năm trồng hoa màu, mô hình trồng dưa trong nhà lưới của anh mang lại hiệu quả ngay trong năm đầu, lãi 200 triệu đồng/năm.
Đến nay, vợ chồng anh Khiên liên kết, xây dựng thêm 5 nhà lưới, nâng tổng diện tích nhà lưới hiện có lên 12 nghìn m2. “Hiện vợ chồng tôi đang hoàn thiện hồ sơ vay 500 triệu đồng theo chương trình ưu đãi phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn từ Agribank Lục Nam để đầu tư công nghệ, chuyển sang phương pháp trồng bằng bầu, giá thể thay thế phương pháp trồng trực tiếp trên đất. Với phương pháp này, chúng tôi không cần thời gian làm đất sau mỗi vụ thu hoạch nên sẽ tăng từ 3 vụ lên 4 vụ/năm”.
Theo Agribank Lục Nam, thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chương trình ưu đãi cho vay đối với khách hàng đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với OCOP và các chương trình ưu đãi lãi suất ngắn hạn đối với hộ sản xuất, kinh doanh, đến nay, toàn huyện có 782 khách hàng được vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ tại thời điểm này là 588,6 tỷ đồng.
Cán bộ Agribank Lục Nam giải ngân vốn vay cho khách hàng. |
Từ nguồn vốn này, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư công nghệ, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mang lại hiệu quả cao. Điển hình, từ 700 triệu đồng vốn vay ưu đãi, năm 2023, anh Đỗ Văn Tuyến (SN 1966), thôn Đông Thịnh, cùng xã Tam Dị đầu tư cải tạo, xây chuồng trại phát triển chăn nuôi lợn. Với quy mô 60 lợn nái và hơn 600 lợn thịt/lứa, mỗi năm gia đình anh xuất chuồng hơn 2 nghìn con lợn thịt, doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng.
Tương tự, từ vốn vay ưu đãi theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, nhiều hộ dân ở xã Bảo Sơn có thêm nguồn lực để phát triển mô hình trồng đào. Anh Phạm Trung Du, Giám đốc Hợp tác xã Hoa đào Bảo Sơn cho biết: “Trong 56 thành viên của hợp tác xã, khoảng 50% đang có dư nợ tại Agribank Lục Nam. Từ nguồn vốn này, các thành viên có thêm nguồn lực để mở rộng diện tích trồng, nâng thu nhập. Dự kiến dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ - 2025, Hợp tác xã đưa ra thị trường khoảng 20 nghìn cây đào, trong đó có khoảng 70% đã được thương nhân đặt với giá từ 500 nghìn đồng đến 1,7 triệu đồng/cây”.
Dẫn vốn đến gần khách hàng
Để phát huy hiệu quả đồng vốn tín dụng, góp phần giúp người dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu, những năm qua, Agribank Lục Nam tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng, nhất là chính sách cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP. Đồng thời, hướng dẫn khách hàng về thủ tục cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Nhờ vốn vay ưu đãi, nhiều hộ dân xã Bảo Sơn phát triển mô hình trồng đào. |
Đến nay, Agribank Lục Nam duy trì 214 tổ vay vốn, trong đó có 167 tổ do hội nông dân quản lý, còn lại do hội liên hiệp phụ nữ quản lý với hơn 5,4 nghìn thành viên. Bà Ngô Thị Ngọc Linh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lục Nam cho biết: “Để nâng cao chất lượng tín dụng và tăng trưởng tín dụng, Hội Nông dân huyện duy trì giao ban với chủ tịch hội nông dân các xã, thị trấn mỗi quý/lần để thông tin, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn. Qua đó, ngày càng nhiều hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi”.
Từ chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông thôn, người dân có thêm nguồn lực để đầu tư sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập.
Mặc dù vậy, qua nắm bắt thực tế, nhiều ý kiến cho rằng, việc đầu tư nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn lớn nên hạn mức cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP thấp (tối đa 300 triệu đồng). Cùng đó sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp... Do đó, quá trình cho vay, ngân hàng cần linh động điều chỉnh giảm, hỗ trợ lãi suất phù hợp.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn, cùng với rút gọn thời gian thẩm định dự án, phương án vay, Agribank phối hợp với các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương chủ động nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho khách hàng về hạn mức vốn vay, tài sản thế chấp. Căn cứ vào các tiêu chí, danh mục được phê duyệt từng thời kỳ, Agribank Lục Nam chủ động rà soát các khách hàng, dự án, phương án để áp dụng và hỗ trợ khách hàng. Mới đây, ngay sau bão số 3, căn cứ vào đề xuất của các tổ vay vốn, Agribank Lục Nam đã miễn, giảm lãi suất cho 232 khách hàng bị ảnh hưởng với tổng số tiền 114 triệu đồng.
Ông Lê Xuân Trường, Giám đốc Agribank Lục Nam cho biết: “Để đưa vốn ưu đãi đến gần hơn với nông dân, từ đầu năm nay, chúng tôi thành lập Tổ tiếp cận, tìm kiếm khách hàng. Hằng tuần, tổ xây dựng kế hoạch, cử cán bộ trực tiếp về từng thôn, tổ dân phố để nắm bắt, tìm hiểu nhu cầu của người dân. Đồng thời không khống chế định mức cho vay tối đa, miễn là khách hàng có đủ tài sản thế chấp. Đối với các tổ vay vốn, trong tháng 11 này, chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tổ cũng như công tác cho vay qua tổ”.
Ý kiến bạn đọc (0)