Kiểm tra tại huyện Lục Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải chỉ đạo: Quan tâm bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên rừng
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái trao đổi với cán bộ địa phương và người trồng rừng xã Bình Sơn (Lục Nam) |
Sau khi khảo sát, kiểm tra thực tế tại xã Nghĩa Phương, Bình Sơn, Lục Sơn và nghe ý kiến của cán bộ địa phương, đơn vị, ngành chức năng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải khẳng định, đất rừng phải để trồng rừng. Chúng ta phát triển rừng nhằm hai mục tiêu: Bảo vệ, chống xói mòn đất, tạo nguồn sinh thủy, cân bằng môi trường sinh thái; mang lại nguồn lợi kinh tế cho người dân, giúp họ bảo đảm cuộc sống lâu dài. Chính quyền địa phương, ngành chức năng cần đưa ra phương án hợp lý, từ đó tham mưu với tỉnh cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khai thác tốt hiệu quả từ rừng.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh, cần chuyển đổi nhiều diện tích rừng thuộc khu vực Tây Yên Tử và các khu vực quan trọng khác thành rừng đặc dụng. Việc làm này có ý nghĩa nhiều mặt, nhất là tạo nguồn sinh thủy cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân ở nhiều địa bàn trong tỉnh. Đối với rừng phòng hộ ít xung yếu và rừng tự nhiên nghèo kiệt, ngành chức năng cùng chính quyền địa phương xem xét những vị trí xen kẹp ở khu dân cư, tác dụng phòng hộ không lớn, quản lý khó khăn để đề xuất cho chuyển sang rừng sản xuất.
Rừng dẻ là đặc trưng riêng trong phát triển lâm nghiệp của huyện Lục Nam. Vì vậy, huyện cần tiếp tục quan tâm bảo vệ; những diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt không thể chuyển sang rừng sản xuất thì cho chuyển trồng bổ sung rừng dẻ. "Vài năm gần đây, huyện Lục Nam đã quan tâm phát triển rừng sản xuất. Tuy vậy, tỉnh sẽ có quy định cụ thể về việc cấp phép, khai thác rừng đúng quy trình, kỹ thuật, tránh tình trạng người dân tự ý khai thác không theo chu kỳ, ảnh hưởng đến chức năng phòng hộ của rừng", Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải nói.
Đồng chí Bùi Văn Hải chỉ đạo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT sớm tính toán, xem xét cụ thể ngoài phần kinh phí hỗ trợ của T.Ư cho công tác chăm sóc, bảo vệ rừng tự nhiên thì thực tế cần bổ sung bao nhiêu để từ đó xây dựng kế hoạch hỗ trợ hợp lý.
Được biết, diện tích đất tự nhiên của huyện Lục Nam có hơn 59.816 ha, trong đó rừng và đất lâm nghiệp 27.165,8 ha, chiếm 45,42% tổng diện tích đất tự nhiên; tỷ lệ che phủ rừng đạt 36,4%. Rừng tự nhiên cơ bản thuộc loại rừng nghèo và nghèo kiệt, phân bổ không tập trung thuộc các xã phía Đông - Nam của huyện. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên có cây dẻ khoảng 1.200 ha.
Những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Lục Nam đã quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng; một số hộ dân trồng rừng kinh tế bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, tình trạng phát rừng tự nhiên nghèo kiệt để trồng rừng kinh tế; tranh chấp, lấn chiếm đất rừng và cháy rừng còn xảy ra; nhiều vụ việc phức tạp gây khó khăn trong xác minh, xử lý vi phạm. Một trong những nguyên nhân chính là do diện tích đất rừng giao cho các hộ gia đình chủ yếu là rừng tự nhiên nghèo kiệt để khoanh nuôi bảo vệ nhưng không có nguồn thu từ rừng; kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng thấp. Bên cạnh đó, rừng kinh tế đang cho thu nhập cao, do vậy nhiều hộ dân chấp nhận nộp phạt để lấy đất trồng rừng kinh tế.
Đỗ Thành Nam
Ý kiến bạn đọc (0)