Huyện Lục Nam thu hút đầu tư phát triển du lịch
Trao đổi khái quát về bức tranh du lịch của địa phương, đồng chí Nguyễn Đức Triệu, Phó trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện cho biết, trên địa bàn huyện có hơn 260 di tích, trong đó 85 di tích đã được xếp hạng (16 di tích lịch sử cấp quốc gia, 69 di tích cấp tỉnh) và 45 lễ hội truyền thống.
Lễ hội đền Thần Nông, xã Cẩm Lý. Ảnh: Đức Quang. |
Lục Nam có lợi thế là được thiên nhiên ưu đãi nhiều thắng cảnh tự nhiên đẹp tạo nên thế mạnh du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, có thể thu hút đông đảo du khách biết đến như, suối Nước Vàng, xã Lục Sơn; hồ Suối Nứa, xã Đông Hưng; vực Rêu, xã Cẩm Lý… Địa điểm du lịch nổi tiếng nhất của Lục Nam là Khu Du lịch sinh thái Suối Mỡ, xã Nghĩa Phương với nhiều thác nước cùng hệ thống đền thờ công chúa Quế Mỵ Nương.
Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện còn xuất hiện nhiều vùng trồng cây ăn quả như na, nhãn, vải thiều… kết hợp bảo tồn rừng tự nhiên, đặc biệt là khu vực rừng phía Tây dãy núi Yên Tử, Đông Triều càng làm cho tiềm năng phát triển du lịch thêm phong phú, hấp dẫn.
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm nay, do thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp kích cầu phát triển du lịch, huyện thu hút khoảng 150 nghìn lượt du khách, tăng 4,5 lần, doanh thu hơn 28 tỷ đồng, tăng gần 325% so với cùng kỳ năm trước. |
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm nay, do thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp kích cầu phát triển du lịch, huyện thu hút khoảng 150 nghìn lượt du khách, tăng 4,5 lần, doanh thu hơn 28 tỷ đồng, tăng gần 325% so với cùng kỳ năm trước.
Chị Nguyễn Phương Lan (TP Hà Nội) cùng gia đình đến tham quan Khu Du lịch sinh thái Suối Mỡ chia sẻ: “Tôi nghe nhiều thông tin về thắng cảnh này nhưng đây là lần đầu tiên có dịp đến. Nơi đây rất phù hợp với chuyến đi của các gia đình vì vừa có di tích về văn hóa, tâm linh, vừa có khu vui chơi, ngắm cảnh, điều kiện ăn nghỉ tốt, giá cả phải chăng, lại không quá xa TP Hà Nội, có thể đi về trong ngày”.
Được biết, đề án quy hoạch xây dựng chung Khu Du lịch sinh thái Suối Mỡ đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, kết cấu hạ tầng du lịch được đầu tư với tổng số kinh phí hơn 200 tỷ đồng, trọng tâm là mở rộng, nâng cấp quần thể, kết nối các tour tuyến du lịch sinh thái kết hợp tâm linh, hoàn thiện hệ thống đường giao thông, tăng sức hút đối với khách tham quan du lịch.
Một trong những điểm nhấn về du lịch của huyện trong thời gian tới là dự án sân Golf và nghỉ dưỡng Bắc Giang đang được xây dựng tại các xã Chu Điện, Yên Sơn, Khám Lạng. Anh Nguyễn Thái Ước, cán bộ phụ trách công tác giải phóng mặt bằng của Công ty cổ phần Golf Trường An Lục Nam (chủ đầu tư) cho biết, dự án có diện tích hơn 147 ha, khi hoàn thành sẽ đóng vai trò quan trọng kết nối các điểm du lịch của Lục Nam và các vùng lân cận.
Hiện nay đã giải phóng mặt bằng được 130 ha và đang thực hiện san lấp, xây dựng các đường golf theo đúng kế hoạch.
Lễ hội Suối Mỡ hàng năm thu hút đông đảo du khách. Ảnh: Đức Quang. |
Trong kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Lục Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 thu hút khoảng 1 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 100 tỷ đồng; đến năm 2030 khách du lịch đạt khoảng 1,5 triệu lượt, doanh thu đạt khoảng 150 tỷ đồng.
Cùng đó, hoàn thành xây dựng đề án hình thành “Con đường hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử” và quy hoạch, phục dựng các điểm di tích theo dấu chân Phật Hoàng trên dãy Huyền Đinh; xây dựng và thực hiện phát triển điểm du lịch cộng đồng huyện Lục Nam giai đoạn 2021-2030.
Cơ bản hoàn thành các hạng mục xây dựng Khu Du lịch sinh thái Suối Mỡ và đề nghị được công nhận là Khu du lịch cấp quốc gia vào giai đoạn 2025-2030; công nhận 3 điểm du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, sản phẩm nông nghiệp nông thôn tại các xã: Bình Sơn, Lục Sơn, Bảo Sơn…
Đồng chí Nguyễn Đức Triệu cho biết thêm, để hiện thực hóa những mục tiêu trên, huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án xây dựng các tuyến đường kết nối tới điểm du lịch của huyện như: Đền Thần Nông; hồ Suối Nứa; điểm di tích lịch sử đình, chùa Sàn; đường lên Khu Du lịch suối Nước Vàng - Thác Giót…
Xây dựng và ban hành cơ chế thu hút đầu tư, khai thác lợi thế về tài nguyên, cảnh quan, môi trường và các cụm di tích lịch sử - văn hoá. Đồng thời, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực làm du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.
Quốc Phương
Ý kiến bạn đọc (0)