Cộng đồng chung tay vượt qua giông bão
BẮC GIANG - Cơn bão số 3 đã khiến nhiều làng quê ở huyện Lục Nam bị cô lập, chia cắt; thiệt hại của người dân là không thể kể xiết. Bão tan, nhà tốc mái, cây đổ rạp, mùa màng thất thu... nhưng đọng lại chính là tình yêu thương, sự đùm bọc, giúp đỡ nhau của cả cộng đồng.
Sông Lục Nam ngày thường yên ả nhưng sau bão, nước sông đục ngầu dâng cuồn cuộn nhấn chìm nhiều cánh đồng màu mỡ, diện tích cây ăn quả. Ngoài thiệt hại về nhà cửa, hoa màu, các công trình dân dụng… bão và hoàn lưu sau bão đã chia cắt 17 thôn thuộc 8 xã trong huyện Lục Nam (gồm: Vô Tranh, Trường Giang, Đông Hưng, Cương Sơn, Nghĩa Phương, Vũ Xá, Tiên Nha, Huyền Sơn) với hơn 2 nghìn hộ, 7 nghìn nhân khẩu bị cô lập.
Công an huyện và người dân vận chuyển đồ hỗ trợ người dân bị chia cắt do lũ. |
Tối 11/9, với sự hỗ trợ của Công an huyện Lục Nam, chúng tôi bấm đèn pin, dò dẫm lội nước quá đầu gối để vào thôn Đọ Bến, xã Cương Sơn. Dấu tích của cơn bão vẫn còn vương nhiều trên cánh cửa, đọng lại trên tường; rác, cỏ khô vướng đầy trên cành cây. Nước sông chưa rút, nước trước cửa nhà dân còn cao, những chiếc thuyền nhôm được néo dây vào cánh cửa chờ sẵn. Thiếu tá Nguyễn Công Thắng, Phó trưởng Công an xã thông tin: “Thôn Đọ Bến nằm sát đê, bị ngập rất sâu, 82 hộ dân trong thôn bị cô lập với bên ngoài. Chiều nay, đoàn công tác của huyện đã đến tận thôn, trao hỗ trợ cho 52 hộ (mỗi hộ 1 thùng mì tôm, 1 lốc nước đóng chai, 1 hộp sữa organic), Đoàn Thanh niên xã trao mỗi hộ 1 bình nước lọc”.
Sau 5 ngày từ khi xảy ra bão, đây là tối đầu tiên thôn có điện, vì thế bữa cơm tối của gia đình ông Nguyễn Văn San (77 tuổi) hôm nay cũng đông đủ hơn. Thay vì chỉ có 2 người thì nay có thêm 3 đứa cháu được đưa về nhà để đi học. Mâm cơm có đầy đủ rau xanh, trứng tráng, tôm rang... Cả nhà vừa ăn cơm, vừa xem ti vi nghe thông tin về thiệt hại do bão. Ông San kể, trận lụt này không lớn, nước không ngập sâu bằng năm 2008. Năm ấy nhà ông cũng ở vị trí này, nhưng là nhà cấp 4, nước ngập hết cột, mọi người phải rời nhà đi sơ tán. Nhưng năm nay thì khác, hầu hết các hộ trong thôn đều xây nhà cao tầng. Biết tin bão vào, do được thông báo trước về sức tàn phá, cả thôn nhà nào cũng chủ động.
Dưới sự hỗ trợ của lực lượng công an, dân quân, mỗi nhà mỗi người một tay giúp nhau kê dọn đồ đạc lên cao. Nhà nào thấp, neo người thì đến nhà người thân ở. Nói chung sinh hoạt cũng không có nhiều xáo trộn so với ngày thường, chỉ khác là mất điện thì không xem được ti vi, không có Internet thôi. Bữa ăn cũng không thiếu, trữ sẵn mì tôm, mì gạo, trứng, thịt, tôm khô, bí, khoai… Nhà có bếp ga, vẫn được ăn chín uống sôi, có chăng là thiếu chút rau xanh. Nhà nào có thuyền nhôm bơi được ra bên ngoài đi chợ đều ới nhau có cần mua gì không thì giúp. Nói chung bà con trong thôn đều cảm thấy lạc quan. “Tuy nhiên, hôm nay có điện được xem ti vi, thấy sạt lở đất, vùi lấp nhiều người ở mấy tỉnh ngoài, thấy đau xót và nguy hiểm quá. Mình ở đây vẫn được an toàn là may mắn quá rồi”, ông San ngậm ngùi.
Anh Ngô Đình Diệm trao hỗ trợ cho 15 hộ dân ở thôn Nam Sơn, xã Huyền Sơn. |
Sáng 12/9, bão qua được 6 ngày, nhưng nước sông Lục Nam vẫn còn ở mức rất cao. Những bãi phù sa ngút ngàn chuối, hoa màu xưa kia giờ đây bị ngập, chỉ còn phất phơ vài chiếc nõn chuối cố nhô lên khỏi mặt nước ngầu đục. Bí thư Huyện ủy Lục Nam Nguyễn Thị Kim Dung dẫn đầu đoàn công tác của huyện và một số nhà hảo tâm đã vượt sông bằng ca nô để đến với bà con thôn Nam Sơn, xã Huyền Sơn. Có mặt kịp thời, hỏi thăm tình hình sức khỏe, đời sống của bà con, đồng chí cùng các nhà hảo tâm tặng 57 hộ dân trong xã mỗi hộ 1 thùng mì tôm, 1 lốc nước uống đóng chai và một hộp sữa bột dinh dưỡng.
15 hộ có nhà bị tốc mái, thiệt hại nặng trong thôn được anh Ngô Đình Diệm, Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam EOC (TP Hà Nội) thay mặt những nhà hảo tâm trao tận tay mỗi hộ 5 triệu đồng. Nhận số tiền hỗ trợ, ông Tống Văn Đồng vừa chèo thuyền qua những cây đào ngập nước, khỏa mái chèo vớt những đụn rác vướng vào cành cây, rưng rưng nói: “Gia đình tôi có 4.500 gốc đào huyền 2 năm tuổi, Tết này cho thu hoạch nhưng đã bị ngập quá nửa thân. Tôi vay mượn cả tỷ đồng để đầu tư vào đây, nếu quá 12 ngày nước không rút thì coi như mất trắng, thiệt hại ước tính 3 tỷ đồng. Xót xa lắm. Nhưng còn người còn của, số tiền hỗ trợ này đã động viên tôi và gia đình trong lúc khó khăn này”.
Huyện Lục Nam đã thành lập các đoàn công tác đến thăm hỏi, động viên, trao các mặt hàng cứu trợ cho những gia đình ở vùng bị chia cắt, cô lập, các gia đình thiệt hại về nhà ở. Các hội, đoàn thể cũng tổ chức thăm hỏi và trao nhu yếu phẩm cho những hộ bị ảnh hưởng bởi bão lũ. |
Ở khắp xã Huyền Sơn, đâu đâu cũng thấy nghĩa tình của mọi người dành cho nhau. Gia đình anh chị Vân Dũng, thôn Nam Sơn tranh thủ trời ngớt mưa ra ruộng bẻ toàn bộ bắp ngô tươi, mang biếu mỗi gia đình 4 cái. Anh Phạm Văn Dinh ở thôn Liên Gia làm nghề bán thịt lợn, sáng 12/9, anh mang hơn 80 kg thịt biếu mỗi hộ 1 túi để có thêm thực phẩm cho bữa ăn ngày bão lũ. Bà con xã Lan Mẫu (Lục Nam) cũng thức thâu đêm gói hơn 1 nghìn chiếc bánh chưng tặng cho một số nơi trong huyện. Theo Ban vận động Quỹ cứu trợ huyện Lục Nam, đến nay huyện đã tiếp nhận ủng hộ của cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trị giá hơn 850 triệu đồng.
Thượng tá Đoàn Thế Phong, Phó trưởng Công an huyện cho biết: “Những ngày qua, lực lượng công an huyện, xã, thị trấn đều trực 100% quân số, phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các lực lượng tại chỗ giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau bão. Đối với các địa bàn bị ngập, Công an huyện thành lập các tổ công tác để hỗ trợ nhu yếu phẩm; bố trí, di chuyển máy phát điện đến những nơi mất điện để bơm nước sinh hoạt cho bà con; đưa học sinh đi học, công nhân đi làm, người đi khám bệnh; bố trí chỗ ăn ở, sinh hoạt tại trụ sở Công an xã cho một số học sinh; hỗ trợ nhân dân vận chuyển tiêu thụ nông sản…”.
Bão số 3 đi qua, trên địa bàn huyện không xảy ra thiệt hại về người, có 2 người bị thương nhẹ do cây đổ đều được đưa đến cơ sở y tế điều trị kịp thời. Tổng giá trị thiệt hại ước tính 286 tỷ đồng. Bão tan, điều đọng lại chính là tình yêu thương, sự đùm bọc, san sẻ cùng đồng bào. Tinh thần “tương thân tương ái” giúp đỡ của cộng đồng sẽ tiếp thêm động lực, để mọi người, mọi nhà đứng dậy, khắc phục khó khăn, đẩy lùi những thiệt hại do bão gây ra.
Ý kiến bạn đọc (0)