Bắc Giang: Hàng chục nghìn m2 nhà màng, nhà lưới bị thiệt hại do bão
BẮC GIANG - Bão số 3 đã làm nhiều diện tích nhà màng, nhà lưới và rau màu trồng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang bị hư hỏng, thiệt hại nặng nề.
Thống kê nhanh trên địa bàn huyện Yên Dũng, đến hết ngày 8/9, toàn huyện có gần 60 nghìn m2 nhà màng, nhà lưới bị tốc mái, gãy, đổ làm hầu hết cây trồng bên trong hư hỏng. Tổng thiệt hại ước hơn 12 tỷ đồng.
Nhà lưới của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Trí Yên (Yên Dũng) bị đổ sập. |
Đơn cử như Hợp tác xã (HTX) Rau sạch Yên Dũng có khoảng 35 nghìn m2 nhà lưới ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất. Do ảnh hưởng của mưa bão, hầu hết diện tích nhà màng này bị tốc mái, gãy, đổ; hơn 20 tấn dưa lưới chuẩn bị thu hoạch bị hư hỏng.
HTX Nông nghiệp công nghệ cao Trí Yên bị sập và hư hại 13 nghìn m2 nhà màng; khoảng 6 nghìn m2 nhà màng tại xã Lãng Sơn bị đổ mái; một nhà lưới bị sập hoàn toàn tại xã Cảnh Thụy.
Tại huyện Lục Nam có hơn 17 nghìn m2 nhà màng, nhà lưới bị gãy, đổ khung, tốc mái; tập trung tại xã Bảo Đài, xã Lan Mẫu, thị trấn Đồi Ngô… Cây trồng trong diện tích này là dưa các loại, rau ăn lá…
Một nhà lưới ở xã Tam Dị (Lục Nam) bị thiệt hại. |
Nhiều diện tích nhà lưới, nhà màng tại huyện Lạng Giang, Lục Ngạn, thị xã Việt Yên… cũng bị hư hỏng gây ảnh hưởng xấu đến cây trồng. Hiện cơ quan chuyên môn các địa phương đang tiếp tục thống kê thiệt hại để có cơ sở hỗ trợ kịp thời, chính xác.
Được biết, toàn tỉnh có hơn 360 nghìn m2 nhà màng, nhà lưới. Hầu hết mô hình sử dụng các giống cây trồng mới như: Dưa chuột chùm baby, dưa lê Hàn Quốc, dưa lưới, rau cải bó xôi, măng tây, một số loại hoa cao cấp (lily, lan rừng, lan Hồ Điệp); sử dụng hệ thống tưới phun sương, nhỏ giọt; áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Các HTX, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đầu tư nhiều kinh phí để xây dựng nhà màng, nhà lưới, mua sắm các trang thiết bị, máy móc liên quan với số tiền đầu tư lên tới nhiều tỷ đồng/1 nghìn m2. Do vậy, thiệt hại mà bão số 3 gây ra là vô cùng nặng nề, cần nhiều thời gian khắc phục.
Theo ông Vũ Trí Đồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT), để nhanh chóng khắc phục hậu quả do mưa bão, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết; bố trí nhân lực thu dọn phần khung, lưới hư hỏng để không ảnh hưởng đến môi trường, hoạt động tái sản xuất.
Sau khi nước rút cần khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng… giúp cho cây nhanh phục hồi; khi đất khô ráo, tiến hành xới, vun kịp thời (đối với diện tích có cây trồng) để tạo độ thoáng cho đất, giúp cây tránh bị nghẹt rễ; chuẩn bị đủ số lượng và chủng loại cây giống, hạt giống rau màu phục vụ việc gieo trồng lại.
Các địa phương rà soát, thống kê diện tích thiệt hại để làm cơ sở đề xuất cơ chế, chính sách, kịp thời hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất. Đồng thời phân công cán bộ chuyên môn bám sát tình hình sản xuất để có biện pháp chủ động ứng phó kịp thời với những ảnh hưởng xấu của thời tiết, dịch hại gây ra.
Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)