Thuê ruộng trồng hoa cho thu nhập cao
BẮC GIANG - Thôn Then, xã Thái Đào, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) không chỉ nổi tiếng có những “nghệ sĩ” chơi vĩ cầm hàng chục năm nay mà còn được biết đến là vùng chuyên sản xuất, kinh doanh các loại hoa. Đặc biệt, mấy năm gần đây, nhiều người dân trong thôn còn năng động thuê, mượn ruộng canh tác của người dân ở nơi khác để mở rộng diện tích trồng hoa cho thu nhập cao.
Mặc dù trời đã gần trưa, song vợ chồng anh Nguyễn Văn Sơn ở thôn Then vẫn tranh thủ cắm cọc, căng giây làm dàn cho ruộng hoa lay ơn của gia đình mình. Anh Sơn cho biết, thời điểm này hoa lay ơn bắt đầu vươn cao nên phải làm giàn cho từng luống hoa, giúp cho chắc cây, không bị ngả nghiêng, ảnh hưởng đến chất lượng cành hoa sau này. “Sang tháng tới, khi đồng loạt các ruộng hoa của gia đình đến thời kỳ làm giàn thì phải thuê thêm nhiều nhân công nữa”, anh Sơn nói.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Sơn chăm sóc ruộng hoa lay ơn. |
Được biết, trước khi chuyên tâm trồng hoa, anh Sơn bươn trải khắp nơi, với đủ nghề từ tiếp thị đến làm thợ ghép cốp pha, thu mua phế liệu… song cuộc sống gia đình vẫn gặp nhiều khó khăn. Năm 2009, khi thấy một số hộ dân trong thôn trồng hoa cho thu nhập cao, vợ chồng anh Sơn đã học làm theo.
Lúc đầu, gia đình anh trồng 2,5 sào hoa lay ơn trên diện tích đất cấy lúa của gia đình. Qua thời gian, anh Sơn đúc rút được nhiều kinh nghiệm nên năm 2013, anh thuê thêm 6 mẫu ruộng của một số hộ trong thôn để mở rộng sản xuất, trồng các loại hoa lay ơn và hoa loa kèn. Thấy gia đình anh ngày càng giàu lên nhờ từ nghề trồng hoa, năm 2023, một số hộ dân của thôn lấy lại ruộng trước đây đã cho anh thuê để cũng trồng hoa. Không vì thế mà từ bỏ nghề trồng hoa đang “hái ra tiền” này, vợ chồng anh Sơn đã thuê 15 mẫu ruộng của người dân thôn Vạc, thôn Dạ (cùng xã) để trồng hoa.
Anh Sơn chia sẻ: “Tôi đang thuê khoảng 20 mẫu ruộng của bà con trong xã để trồng hoa. Đối với diện tích thuê ruộng của hộ dân trong thôn, mỗi năm gia đình tôi trả 1 tạ thóc/sào; đối với diện tích ruộng ở các thôn khác thì thuê theo vụ, trả 1 triệu đồng/vụ. Ngoài ra, gia đình tôi còn mượn theo vụ khoảng 4 mẫu ruộng của bà con nông dân ở các thôn khác. Với diện tích này, gia đình tôi chỉ phải cày bừa sau khi đã thu hoạch vụ hoa để trả ruộng cho họ cấy lúa”.
Hiện gia đình anh Sơn chỉ có hai vợ chồng ở nhà trồng hoa, hai con của anh đang tuổi ăn, tuổi học. Vì vậy, để chăm sóc tốt hơn 24 mẫu hoa, gia đình anh đã sắm thêm máy cày, máy bón phân; đồng thời thuê thêm nhân công để thực hiện các công đoạn chăm sóc, thu hoạch hoa. Dịp cao điểm áp Tết Nguyên đán, gia đình anh thuê khoảng 15 nhân công ở địa phương.
Theo anh Sơn, do gia đình chủ động được nhiều công đoạn từ tạo giống, làm đất, bón phân nên mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu 1-2 tỷ đồng từ bán hoa. Gia đình anh hiện trở thành một trong những hộ giàu ở địa phương.
Đường giao thông ở thôn Then vừa được cải tạo mở rộng. |
Khác với gia đình anh Sơn, gia đình anh Hà Văn Thực ở thôn Then lại chọn hướng phát triển kinh tế từ thuê, mượn ruộng trồng hoa lay ơn, hoa loa kèn kết hợp làm dịch vụ thu mua hoa của bàn con trong vùng rồi xuất bán cho các tỉnh, TP phía Bắc.
Khi chúng tôi đến thăm gia đình, đúng lúc anh Thực đang thuê thợ cải tạo mái hiên nhà cho rộng rãi hơn. Hiện, gia đình anh chỉ có hai vợ chồng ở nhà, cậu con trai cả vừa học xong đại học, đang làm việc tại Hà Nội; con trai thứ hai du học ở Hàn Quốc. Anh Thực cho biết: “Tôi đang thuê 4 mẫu ruộng của bà con trong thôn trồng hoa quanh năm. Ngoài ra, tôi cũng mượn khoảng 2 mẫu ruộng để trồng hoa một vụ, còn một vụ trả lại ruộng để người dân cấy lúa. Nhờ làm hoa đã giúp gia đình tôi có điều kiện nuôi các con ăn học chu đáo, cuộc sống gia đình dư dả”.
Anh Thực bắt đầu thuê ruộng trồng hoa từ năm 2020, với các loại hoa lay ơn, loa kèn nhập ngoại. Biết được nhu cầu tiêu thụ hoa của người dân địa phương tăng cao, năm 2023, anh thành lập Hợp tác xã Thực Thêm chuyên thu mua các loại hoa không chỉ ở xã Thái Đào mà còn nhiều khu vực khác ở huyện Lạng Giang, Lục Nam, Yên Dũng và TP Bắc Giang. Từ đây, anh vận chuyển mang đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh, TP trong nước, trong đó tập trung ở thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…
Hiện gia đình anh Thực thuê thêm 6 nhân công để bảo đảm vừa chăm sóc hoa, vừa vận chuyển hoa đi các nơi tiêu thụ; vào dịp cao điểm, gia đình thuê từ 15- 20 nhân công với chi phí từ 300- 500 nghìn đồng/ngày. “Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi năm, gia đình tôi cũng để ra vài trăm triệu đồng từ nghề trồng và buôn bán các loại hoa”, anh Thực chia sẻ.
Thực tế, không chỉ gia đình anh Sơn, Thực đang có thu nhập cao nhờ thuê mượn ruộng của người dân quanh vùng để trồng hoa mà nhiều hộ khác ở thôn cũng vậy, tiêu biểu như gia đình các ông: Hà Văn Vinh, Hà Văn Đặng, Trần Văn Long, Lê Văn Thiệm… Các hộ này không chỉ thuê, mượn ruộng ở trong xã mà còn ở nhiều nơi khác của huyện Yên Dũng; mỗi năm thu lãi từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
Ông Hà Văn Đoàn, Trưởng thôn Then cho biết: “Do lớp trẻ chủ yếu đi làm trong các công ty nên nhiều nơi ruộng canh tác chỉ cấy một vụ lúa mùa, sau đó là bỏ không, rất lãng phí đất. Với người dân thôn Then lại khác, họ biết tận dụng những thửa ruộng bỏ không này để trồng hoa, từ đó tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vừa tăng thu nhập cho gia đình, vừa tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân”.
Thông Then không chỉ nổi tiếng có những “nghệ sĩ” nông dân chơi vĩ cầm hàng chục năm nay mà còn được nhiều người biết đến là vùng chuyên sản xuất, kinh doanh các loại hoa cao cấp, cho thu nhập cao. Cả thôn có khoảng 400 hộ thì chỉ còn 5 hộ nghèo do ốm đau bệnh tật, còn lại chủ yếu là khá và giàu; bộ mặt làng quê ngày càng khởi sắc, cơ sở hạ tầng từ đường giao thông, kênh mương nội đồng đến nhà văn hóa, sân bóng đá, cổng làng đều được đầu tư xây dựng khang trang. Thôn Then trở thành thôn điển hình trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; năm 2023 được công nhân đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Bài, ảnh: Đỗ Thành Nam
Ý kiến bạn đọc (0)