Mô hình tổ chức Văn phòng Công chứng phải phù hợp, đáp ứng nhu cầu ở những nơi khó khăn
BẮC GIANG - Sáng 25/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Đóng góp ý kiến đối với dự thảo luật lần này, đại biểu Trần Văn Tuấn, Tỉnh uỷ viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang trao đổi, tham gia về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết trong hành nghề công chứng.
Thứ nhất, kế thừa quy định của Luật hiện hành, khoản 1 Điều 20 của dự thảo Luật quy định Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Theo đó, Văn phòng công chứng phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên và không có thành viên góp vốn. Về quy định này, hiện đang có 2 loại ý kiến: Tán thành và không tán thành.
Đại biểu Trần Văn Tuấn tham luận tại hội trường. |
Đại biểu đồng tình với loại ý kiến thứ hai là nên cho phép thành lập Văn phòng công chứng do một công chứng viên (CCV) làm chủ. Ngoài một số lý do như trong Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật, đại biểu trao đổi, bổ sung, nhấn mạnh nhấn mạnh một số lý do sau:
(1)Việc cho phép thành lập Văn phòng công chứng do một CCV làm chủ theo loại hình doanh nghiệp tư nhân nhằm bảo đảm quyền tự do lựa chọn hình thức tổ chức hành nghề đối với CCV.
(2) Không nên vì những bất cập trong việc tổ chức Văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân theo Luật Công chứng năm 2006 (như khi xảy ra tình huống CCV duy nhất chết hoặc vì lý do khác không thể hành nghề công chứng thì không bảo đảm hoạt động liên tục, ổn định của tổ chức hành nghề công chứng…) mà loại bỏ mô hình này mà nên nhìn nhận đây là vấn đề về quản lý, tổ chức thực hiện cần được giải quyết, khắc phục thông qua sửa đổi Luật lần này.
(3) Việc quy định Văn phòng công chứng phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên còn dẫn đến tình trạng hợp danh hình thức, nhằm đối phó với quy định của Luật, gây nhiều bức xúc trong thời gian qua (có Văn phòng Công chứng trên danh nghĩa có 2 CCV, nhưng thực tế chỉ có 1 CCV hoạt động thường xuyên).
(4) Quan trọng hơn, nếu cho phép thành lập Văn phòng công chứng do một CCV làm chủ, sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, những nơi mức độ giao dịch dân sự, kinh tế còn thấp, nhu cầu sử dụng dịch vụ công chứng của người dân chưa cao (nhưng không thể thiếu); để vừa đáp ứng nhu cầu của người dân (không phải đi xa hàng chục, hàng trăm km mới có thể tiếp cận được các dịch vụ công chứng), vừa khuyến khích, tạo thuận lợi cho CCV hành nghề công chứng, đầu tư thành lập các văn phòng công chứng ở những nơi không có nhiều người đủ điều kiện hành nghề, hoặc có đủ điều kiện nhưng không phải ai cũng sẵn sàng đầu tư vào ngành nghề công chứng ở những nơi khó khăn.
Do đó, đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật loại hình tổ chức hành nghề công chứng là doanh nghiệp tư nhân bên cạnh công ty hợp danh theo hướng: Ngoài loại hình công ty hợp danh, thì loại hình doanh nghiệp tư nhân được áp dụng đối với Văn phòng công chứng thành lập ở vùng miền núi và khu vực khó khăn.
Thứ hai, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá đầy đủ tác động của các thủ tục hành chính trong dự thảo Luật, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, làm gia tăng chi phí, gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân tham gia hành nghề công chứng. Trong đó: Khoản 5 Điều 10 của dự thảo Luật bổ sung quy định: “Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận kết quả kiểm tra tập sự mà người được cấp giấy không đề nghị bổ nhiệm công chứng viên thì giấy chứng nhận hết hiệu lực; người có giấy chứng nhận hết hiệu lực muốn bổ nhiệm công chứng viên phải đăng ký tham dự và đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự theo quy định”.
Theo đại biểu, quy định này là thiếu công bằng giữa người mới được cấp giấy chứng nhận và người được cấp giấy chứng nhận đã quá thời hạn 5 năm nhưng vì lý do khách quan nào đó mà chưa làm thủ tục đề nghị bổ nhiệm, mặc dù trong khoảng thời gian đó họ vẫn có các hoạt động liên quan đến nghiệp vụ công chứng (như giúp việc cho các tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên), nhờ đó mà họ có thể có thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm hơn so với người mới được cấp giấy chứng nhận. Do đó, đề nghị đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn, cả về chi phí tuân thủ pháp luật, nhu cầu thực tiễn cũng như hiệu quả của quy định này với việc nâng cao chất lượng của CCV để làm cơ sở bổ sung trong dự thảo Luật.
Thu Hằng (t/h)
Ý kiến bạn đọc (0)