Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang thảo luận tại tổ về một số dự án luật
BẮC GIANG - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 29/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Đầu tư công sửa đổi và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bắc Giang tham gia tổ thảo luận số 3 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh: Nghệ An, Quảng Ngãi. Đại biểu Thái Thanh Quý, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An chủ trì phiên thảo luận. Dự phiên thảo luận có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Trần Quang Phương, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Đại biểu Thái Thanh Quý phát biểu gợi ý thảo luận. |
Tại đây, các đại biểu cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành 2 dự án luật trên với những cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Việc ban hành Luật Đầu tư công sửa đổi nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật với phạm vi như tờ trình của Chính phủ bao gồm 5 nhóm vấn đề lớn: Nhóm chính sách thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; nhóm chính sách về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nhóm chính sách về nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; nhóm chính sách về thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; nhóm chính sách về đơn giản hóa trình tự, thủ tục, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia, việc ban hành luật nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa các nguồn lực nhà nước, ngoài nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Hoàn thiện các quy định để tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập; sửa đổi, bổ sung cơ chế cho phép các địa phương sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của ngân sách cấp trên trực tiếp trên địa bàn, hỗ trợ các địa phương khác và chi viện trợ; sửa đổi, bổ sung quy định về chi ngân sách nhà nước thực hiện một số nhiệm vụ từ cả nguồn chi đầu tư và thường xuyên; tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý thuế; chuyển thẩm quyền quyết định ngân sách T.Ư mua bù hàng dự trữ quốc gia...
Các dự án luật trên được Chính phủ đề xuất trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình rút gọn tại một kỳ họp để rút ngắn thời gian ban hành chính sách, có cơ sở pháp lý nhằm sớm giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong áp dụng quy định pháp luật, kịp thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) phát biểu thảo luận tại tổ. |
Nêu ý kiến về dự án Luật Đầu tư công sửa đổi, đại biểu Trần Văn Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang bày tỏ sự đồng tình với các nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự án luật trình Quốc hội kỳ này, đại biểu cho rằng các quy định trong dự thảo Luật Đầu tư công đã cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện 5 nhóm chính sách lớn, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, T.Ư, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không đùn đẩy trách nhiệm.
Đại biểu Trần Văn Tuấn cho rằng nhiều nội dung trong dự thảo luật đã tiếp thu cơ bản các đề xuất, kiến nghị của các địa phương, tháo gỡ căn bản các tồn tại, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn phát sinh trong quá trình thi hành Luật Đầu tư công năm 2019.
Đại biểu nêu ví dụ một số nội dung tỉnh Bắc Giang kiến nghị đã được tiếp thu và thể chế hóa như: Việc đề nghị tách riêng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, đối với dự án thuộc nhóm B, nhóm C chưa được quy định tại luật hiện hành. Tiếp thu nội dung này, tại khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi đã quy định trường hợp thật sự cần thiết tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, đối với dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội xem xét, quyết định; đối với dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C do cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình đầu tư công do địa phương quản lý luật hiện hành quy định Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm giao cơ quan chuyên môn hoặc UBND cấp dưới trực tiếp lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế ở địa phương thường giao cho ban quản lý dự án chuyên ngành là đơn vị sự nghiệp công lập do Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện thành lập (đây không phải là cơ quan chuyên môn). Nội dung này tại dự thảo luật mới đã tiếp thu (tại khoản 1 Điều 27) quy định Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm giao đơn vị trực thuộc, bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc hoặc UBND cấp dưới trực tiếp lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.
Ngoài ra, đại biểu Trần Văn Tuấn bày tỏ băn khoăn việc dự án Luật Đầu tư công được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp liệu có thực sự bảo đảm chất lượng trong khi dự án luật đòi hỏi phải đánh giá kỹ về tác động chính sách và nghiên cứu, rà soát thận trọng để bảo đảm việc ban hành luật phù hợp với yêu cầu của thực tế và bảo đảm tính khả thi sau khi luật được Quốc hội thông qua.
Ý kiến bạn đọc (0)