Bắc Giang: Nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm hành chính sau giám sát
Còn tồn tại, thiếu sót
Công tác xử lý VPHC đã góp phần quan trọng trong phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm, giữ vững an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tình hình vi phạm hành chính vẫn còn tiềm ẩn phức tạp. Để nâng cao hiệu quả xử lý, làm rõ những hạn chế và đưa ra kiến nghị, đề xuất với các cấp có thẩm quyền, HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát chuyên đề về nội dung này.
Ông Đặng Hồng Chiến, Trưởng Ban Pháp chế cho biết, Đoàn giám sát đã ban hành kế hoạch và giám sát trực tiếp tại UBND 5 huyện, TP bao gồm: Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa, Lục Nam và TP Bắc Giang. Ngoài ra, tại mỗi địa phương, Đoàn lựa chọn 2 đơn vị cấp xã để khảo sát.
Đội Quản lý thị trường số 2 kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa tại thị trấn Bích Động (Việt Yên). Ảnh: Thế Đại. |
Qua giám sát cho thấy, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về xử lý VPHC trên các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện, xã hiệu quả chưa cao. Vai trò của các lực lượng chức năng đối với công tác tham mưu cho chính quyền cùng cấp chưa rõ nét. Vì vậy, việc phát hiện, nắm bắt thông tin, thực hiện các biện pháp phòng ngừa và xử lý vi phạm chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ dẫn đến có địa phương số lượng quyết định xử phạt VPHC chưa thực hiện được còn tồn đọng nhiều. Ví dụ như ở huyện Hiệp Hòa, tại thời điểm giám sát còn 136 quyết định chưa thực hiện xong; huyện Việt Yên còn gần 500 quyết định.
Ông Nguyễn Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng cho biết: "Yên Dũng còn 1.250 quyết định chưa thực hiện được. Nguyên nhân do cá nhân vi phạm điều kiện kinh tế khó khăn, không có khả năng thi hành. Một số cố tình không chấp hành quyết định xử phạt, chi phí để tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt lớn hơn nhiều lần so với mức tiền phạt". Ngoài ra, việc lập hồ sơ xử lý VPHC còn thiếu sót. Lỗi phổ biến nhất là không có bút lục hồ sơ. Trong biên bản, quyết định xử phạt không ghi rõ đầy đủ các nội dung như: Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, thời hạn thi hành, thiếu chữ ký người nộp phạt...
Các quyết định xử phạt đều có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nhưng trong hồ sơ xử phạt chưa thể hiện rõ nội dung này. Còn có hồ sơ xác định mức độ vi phạm không đúng dẫn đến việc xử lý chưa bảo đảm nguyên tắc thẩm quyền theo quy định. Đơn cử như trường hợp của ông Nguyễn Văn T, ở thị trấn Bích Động (Việt Yên) tự ý chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Khi cán bộ thiết lập hồ sơ đã xác định diện tích đất sai phạm chưa chính xác nên áp dụng mức xử phạt thấp hơn so với mức quy định.
Kiến nghị nhiều nội dung cần khắc phục
Sau giám sát, Đoàn giám sát HĐND tỉnh đã đưa ra những kiến nghị, đề xuất với các địa phương nhằm thực hiện tốt hơn nữa việc thi hành pháp luật về xử lý VPHC. UBND các huyện, TP cần chỉ đạo các lực lượng chức năng, phòng, ban, cơ quan liên quan tăng cường công tác phối hợp với UBND cấp xã để xử lý dứt điểm các vụ việc còn tồn đọng. Chú trọng kiểm tra, giám sát thông qua thành lập các đoàn, tổ kiểm tra. Tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu về hồ sơ xử lý VPHC cho cán bộ làm công tác tham mưu theo hình thức “cầm tay chỉ việc”.
Từ những tồn tại, hạn chế đã nêu, Đoàn giám sát sẽ có đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh, các huyện, TP và các sở, ngành liên quan để sớm có biện pháp khắc phục nhằm nâng cao hơn nữa việc chấp hành Luật Xử lý VPHC. |
Ông Đào Xuân Hải, Chủ tịch UBND thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) chia sẻ: "Điểm yếu nhất hiện nay đối với cán bộ, công chức cấp xã là việc tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương còn hạn chế. Việc thiết lập hồ sơ, các văn bản phục vụ cho việc xử phạt chưa chặt chẽ. Chúng tôi mong muốn có nhiều đợt tập huấn để có thêm kỹ năng, nghiệp vụ trong quá trình thực thi nhiệm vụ". Ngoài ra, Đoàn giám sát cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức như: Thông qua các hội nghị, phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh... Nội dung tuyên truyền tập trung vào Luật Xử lý VPHC và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng trong việc ngăn chặn, điều tra, xác minh, xử lý các vụ vi phạm nghiêm trọng có dấu hiệu hình sự để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa chung.
Đồng chí Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát đề nghị các cấp ủy, chính quyền huyện, TP vừa được giám sát cần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả trong việc chấp hành quy định của pháp luật về xử lý VPHC. Nghiêm túc rút kinh nghiệm những hạn chế, khuyết điểm Đoàn giám sát đã chỉ ra; khẩn trương rà soát, bổ sung các đề mục, nội dung thông tin còn thiếu trong báo cáo. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 17 ngày 14/10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác quản lý xử lý VPHC trên địa bàn tỉnh.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc (0)