Lan tỏa lối sống tích cực cho người trẻ
Ăn cơm nhà, làm việc thiện
Năm 2011, khi người con trai tên Trần Thanh Tuấn (SN 1983) của vợ chồng ông Thanh đang theo chương trình học bổng toàn phần tiến sĩ Toán học tại Cộng hòa Liên bang Nga, gia đình nhận được tin dữ: Anh Tuấn mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối. Ông bà dốc toàn bộ gia sản đưa con chạy chữa khắp nơi nhưng không có kết quả. Cuối năm đó, anh Tuấn qua đời để lại nỗi đau đớn tột cùng. Sự mất mát ấy khiến người làm cha làm mẹ như ông Thanh, bà Thu thay đổi quan niệm sống. Họ bớt để dành, bớt tích lũy cho bản thân mà cho đi nhiều hơn, giúp người xung quanh vơi bớt khó khăn.
Ông Trần Văn Thanh (người đứng) dẫn đoàn CLB Chung một tấm lòng huyện Hiệp Hòa tặng quà tại Trường Mầm non Nà Bủng, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) năm 2016. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Vợ chồng ông Thanh bén duyên với công việc thiện nguyện và trở thành một phần không thể thiếu của Câu lạc bộ (CLB) Chung một tấm lòng huyện Hiệp Hòa từ năm 2015. Lúc đó với vai trò biên tập viên của trang thông tin điện tử Hiephoa.net (nay là Hiephoanet.vn), ông Thanh dự chương trình ra mắt CLB Chung một tấm lòng huyện Hiệp Hòa. Hoạt động ý nghĩa, nhân văn của CLB đã thuyết phục được ông, vậy là ông quyết định tham gia với vai trò Phó Chủ nhiệm CLB. Gương mẫu đi đầu, ông tự trích một phần tiền lương hưu góp quỹ cùng CLB tặng học bổng từ 300 - 500 nghìn đồng cho nhiều học sinh nghèo trên địa bàn huyện.
Thấy chồng đi suốt, bà Thu chẳng những không ca thán mà còn là người động viên, gợi ý dành khoảng không gian của gia đình mình làm địa điểm nấu ăn cho bệnh nhân. Bà Thu lặng lẽ mang gạo của nhà ủng hộ, thức dậy sớm để cùng thành viên CLB nấu nướng, phục vụ suất ăn miễn phí. Bà Thu hiện vừa là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố số 3, thị trấn Thắng (Hiệp Hòa), vừa là thành viên tích cực của CLB.
Căn nhà của ông bà giờ ngổn ngang đồ đạc. Chỉ tay vào góc nhỏ chuẩn bị hoàn thiện, ông Thanh nói: “Vợ chồng tôi xây dựng khu bếp này trước hết là phục vụ cho nhu cầu của gia đình, sau đó để CLB có địa điểm rộng rãi hơn nấu cơm miễn phí phục vụ bệnh nhân nghèo đang điều trị ở Trung tâm Y tế huyện”.
Vận động nguồn lực giúp đỡ nhiều cảnh đời
Khi làm cả hai việc cùng lúc, ông Thanh nhận được sự giúp đỡ, đồng hành của nhiều người như: Cây bút Hương Giang ở trang Hiephoanet.vn; anh Trần Tuấn Hiệp (Chủ nhiệm CLB Chung một tấm lòng huyện)... Những bài viết về hoàn cảnh khó khăn của các gia đình đăng tải trên fanpage của CLB và trang Hiephoanet.vn được ông Thanh mô tả chân thực, bởi vậy nhận được sự tin tưởng của nhiều tấm lòng hảo tâm. Mọi sự ủng hộ được công khai, minh bạch trên trang thông tin và fanpage CLB.
Vợ chồng ông Trần Văn Thanh và bà Nguyễn Thị Thu (áo kẻ) tặng quà cho học sinh hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Hiệp Hòa. Ảnh: Hương Giang |
Ngày đầu thành lập với số lượng thành viên ít ỏi, đến nay CLB trở thành nơi quy tụ của nhiều tấm lòng nhân ái với 60 người ở mọi độ tuổi, ngành nghề, địa phương, lớn tuổi nhất phải kể đến ông Mai Thế Việt (80 tuổi). Nhiều thành viên trẻ tham gia CLB bắt nguồn từ sự cảm thông, chia sẻ qua những hành động thiết thực của ông Thanh, bà Thu.
“Trước khi ra tỉnh khác để tổ chức hoạt động tình nguyện phải quan sát, giúp đỡ người khó khăn xung quanh mình, cùng làng, xã, huyện, tỉnh”. Đó là những gì ông Thanh thường nhắc nhở các thành viên. Vậy là trong huyện có bao nhiêu hoàn cảnh éo le cần sự giúp đỡ, người ta lại tìm đến CLB và ông Thanh nhờ thẩm tra, đăng tải, kêu gọi cộng đồng vào cuộc. Hễ chủ nhiệm Trần Tuấn Hiệp cần thông tin gì, ông Thanh thông báo rõ ràng chi tiết như nằm lòng, nhất là những học sinh nghèo có nguy cơ phải bỏ học.
Ví như em Dương Đình Triệu (SN 2001) ở thôn An Cập, xã Hoàng An (Hiệp Hòa) may mắn nhận được sự giúp đỡ. Bố mất sớm, mẹ bị bệnh. Năm 2018, Triệu thi đỗ Đại học Thương mại Hà Nội với số điểm cao nhưng nhà nghèo, em dự định gác lại ước mơ để đi làm thuê, sớm đỡ đần mẹ nuôi em trai. Sau khi ông Thanh xác minh, toàn bộ thông tin, hình ảnh về hoàn cảnh của Triệu được đăng tải trên trang fanpage của CLB, Hiephoanet.vn để kêu gọi và ngay lập tức nhận được sự hỗ trợ của nhiều người. Đến nay, Triệu học năm thứ 3, vừa đi học, vừa đi làm để có tiền trang trải.
Mỗi năm, ông Thanh còn được giao nhiệm vụ tổ chức từ 7 đến 10 chuyến hành trình về với các trường học khó khăn ở trong và ngoài tỉnh như: Hà Giang, Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng... Ông quán xuyến mọi việc, sắp xếp lịch trình cho các thành viên. Riêng năm 2020, CLB tổ chức 2 chuyến đi từ thiện tại xã đặc biệt khó khăn ở huyện Sơn Động, Lục Ngạn; 8 chuyến đi miền Trung sau trận lũ lụt lịch sử. Mỗi chuyến, đoàn trao tặng nhiều phần quà giá trị như xe đạp, đồ dùng học tập, chăn ấm, gạo, tiền, quần áo, sách vở cho học sinh cùng các điểm trường ở vùng sâu, vùng xa.
Các chuyến đi tình nguyện xa, dài ngày, ông Thanh và bà Thu luôn đồng hành với nhau. Bà Thu chia sẻ: "Nhiều năm làm công tác thiện nguyện, cái được lớn nhất với vợ chồng tôi là tinh thần thoải mái, vui vẻ. Trong các hoạt động tình nguyện, chúng tôi như được sống lại thời tuổi trẻ, nhiệt huyết. Và mỗi khi nhận được tin nhắn, cuộc điện thoại của những cảnh đời đã từng được mình giúp đỡ hỏi thăm, kể về cuộc sống, chúng tôi thấy mình khỏe hơn vì đã làm được việc tốt".
Ý kiến bạn đọc (0)