Phát triển du lịch Việt Nam nhanh và bền vững
Ngày 15/3/2022, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, du lịch Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế trong điều kiện bình thường mới. Ngành du lịch từng bước khôi phục trở lại. Năm 2022, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng, tăng 2,75 lần so với cùng kỳ.
Khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt, vượt chỉ tiêu phục vụ 60 triệu lượt đặt ra từ đầu năm. Số lượng doanh nghiệp (DN) lữ hành đăng ký mới và quay trở lại lĩnh vực du lịch tăng nhanh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. |
Trong 10 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 9,97 triệu lượt, vượt kế hoạch năm 2023; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 nghìn tỷ đồng. Bộ VHTTDL đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch được đẩy mạnh…
Ngành du lịch đặt ra các mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế, 130 triệu lượt khách nội địa; duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 - 9%/năm; tạo việc làm cho 5,5 triệu lao động, trong đó có khoảng 1,8 triệu lao động trực tiếp.
Đối với ngành du lịch Bắc Giang, thời gian qua tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 112-NQ/TU ngày 15/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số tour du lịch, bước đầu hút khách tham quan. Công tác tuyên truyền, quảng bá được quan tâm, đẩy mạnh. Chỉ tính riêng 6 tháng năm 2023, tổng số khách du lịch đạt 1,3 triệu lượt, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu từ các hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đạt hơn 690 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2022.
Đồng chí Phan Thế Tuấn chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang. |
Tham luận tại hội nghị, các đại biểu thống nhất với đánh giá của Bộ VHTTDL về kết quả phát triển du lịch thời gian qua, đồng thời chỉ ra những hạn chế như: Tỷ lệ phục hồi lượng khách du lịch quốc tế còn thấp; sản phẩm du lịch chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh, giá trị gia tăng thấp; hiệu quả liên kết giữa các vùng, địa phương, ngành còn chưa cao; nguồn nhân lực du lịch thiếu do trong thời gian dịch Covid-19 đã chuyển ngành, đặc biệt là việc thiếu hụt lao động có chuyên môn và kinh nghiệm...
Cùng đó, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, DN tham luận, chia sẻ những cách làm sáng tạo trong phát triển du lịch, đồng thời kiến nghị, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn. Các tham luận tập trung vào những vấn đề như: Sự tham gia của DN du lịch nhằm khắc phục khó khăn, đẩy nhanh phục hồi và tăng tốc phát triển; liên kết vùng, hợp tác công - tư xây dựng sản phẩm và xúc tiến quảng bá du lịch; vai trò của địa phương và các chủ thể trong quản lý điểm đến, xúc tiến, quảng bá; các cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực du lịch…
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu. Đề cập đến các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để du lịch Việt Nam phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh thuận lợi, thời cơ, thách thức đan xen, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngành du lịch, các bộ, ngành liên quan và các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, bám sát Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Trong đó, cần nâng cao nhận thức, đầy đủ, toàn diện về vai trò, tầm quan trọng, sức lan tỏa và giá trị của ngành du lịch với sự phát triển đất nước. Phát huy tính chủ động, sáng tạo của các chủ thể có liên quan trong phát triển du lịch. Thủ tướng nhấn mạnh, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến nhiều ngành, địa phương, DN và mang tính toàn dân, toàn cầu. Vì vậy, cần phải thay đổi cách tiếp cận, đổi mới tư duy trong cách làm du lịch. Phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của DN và cộng đồng dân cư.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực. Tăng cường liên kết hợp tác giữa các DN du lịch, tạo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch. Tích cực phối hợp liên vùng, liên địa phương, hình thành chuỗi giá trị, sản phẩm du lịch; xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện.
Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hơn nữa cho việc phục hồi, phát triển du lịch. Cơ cấu lại thị trường, tập trung triển khai quyết liệt các hoạt động xúc tiến du lịch, đẩy nhanh tốc độ phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế. Phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch có thương hiệu, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh cao. Thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Tin, ảnh: Phương Ngân
Ý kiến bạn đọc (0)