Bắc Giang tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, đẩy mạnh liên kết
Phát biểu đề dẫn, ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang khái quát tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh, đồng thời nhấn mạnh, nhiều nhiệm kỳ qua, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang luôn quan tâm phát triển du lịch (PTDL). Từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, kế hoạch, đề án về PTDL, đẩy mạnh liên kết, hợp tác PTDL với các tỉnh, liên vùng.
Các đại biểu chủ trì, điều hành thảo luận tại hội nghị. |
Bắc Giang ưu tiên tập trung xây dựng phát triển 4 sản phẩm du lịch chủ lực gồm: Du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; du lịch vui chơi, giải trí, thể thao; du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả. Những năm qua, mặc dù đã có một lượng khách du lịch không nhỏ trong và ngoài nước đến với Bắc Giang song chủ yếu là tự phát, đi trong ngày; chi phí cho các chuyến du lịch thấp.
Các dịch vụ ăn, ở, vui chơi, giải trí còn hạn chế; chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng. Các công ty du lịch chưa thường xuyên mở tour, tuyến đến các điểm du lịch… Vì vậy, Ban tổ chức hội nghị mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp, gợi mở, đề xuất giải pháp có tính khả thi cao từ các đại biểu nhằm thúc đẩy du lịch Bắc Giang phát triển.
Tại hội nghị, đại diện một số DN du lịch, hợp tác xã du lịch cộng đồng giới thiệu điểm đến du lịch; sản phẩm, tour du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã được các đơn vị xây dựng, khai thác. Thảo luận tại đây, các đại biểu tập trung vào những vấn đề như: Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, nhất là du lịch văn hóa-tâm linh, du lịch cộng đồng; khai thác giá trị văn hóa để làm du lịch; liên kết PTDL với các tỉnh, TP.
Các đại biểu cho rằng, du lịch Bắc Giang muốn phát triển, vấn đề cốt lõi là sản phẩm du lịch phải hấp dẫn, có tính bền vững. Mặt khác, phải đẩy mạnh liên kết, hợp tác PTDL với các tỉnh, TP và liên vùng.
Ông Nguyễn Xuân Quỳnh, Giám đốc Công ty Du lịch Allez Voyage đề xuất tỉnh Bắc Giang có chiến lược đầu tư tập trung, dài hạn cho việc xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch "Hành trình theo dấu chân Phật Hoàng" theo quy hoạch không gian phát triển các khu, điểm du lịch văn hóa-tâm linh, tạo sự độc đáo, khác biệt với các địa phương khác, đáp ứng nhu cầu của du khách. Phát huy vai trò của cộng đồng dân cư, mang lại sự hưởng lợi tối đa cho họ; từ đó, đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH theo hướng bền vững.
Theo ông Phạm Mạnh Tuấn, Viện Phát triển du lịch châu Á, cuộc khởi nghĩa Yên Thế tiêu biểu cho sức chiến đấu, tinh thần bất khuất của nông dân Việt Nam nói chung và Bắc Giang nói riêng, trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Rất nhiều di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt mà không phải nơi nào cũng có.
Ngành du lịch nên nghiên cứu, tìm ra những điểm hấp dẫn, đặc sắc để khai thác PTDL. Ví như tại Khu di tích khởi nghĩa Yên Thế, thị trấn Phồn Xương (Yên Thế) có thể mở rộng không gian trưng bày; sưu tầm nhiều câu chuyện, hình ảnh liên quan đến cuộc khởi nghĩa; cho thuê trang phục, tái hiện hình ảnh nghĩa quân; in sách, tài liệu, tranh ảnh bán cho du khách…
Đại diện Công ty cổ phần Khai thác và Dịch vụ du lịch SGO (SGO Travel) phát biểu tại hội nghị. |
Đồng chủ trì, điều hành thảo luận, đóng góp ý kiến tại hội nghị, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, để PTDL, tỉnh Bắc Giang cần tiếp tục quan tâm đến 4 yếu tố đó là: Chính sách, sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực, xúc tiến đầu tư. Trong 4 yếu tố trên, nguồn nhân lực đóng vai trò vô cùng quan trọng, mang tính quyết định. Vì vậy, tỉnh cần tăng cường tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ, kỹ năng quản lý cho nguồn nhân lực làm du lịch, kết hợp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Một số ý kiến đề nghị chính quyền, ngành, chức năng, DN quan tâm nhiều hơn công tác quảng bá; chỉ dẫn địa lý; đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông vào các khu, điểm du lịch; tổ chức nhiều hội thảo chuyên sâu về du lịch, trong đó có sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý, DN lữ hành có uy tín, kinh nghiệm cùng "hiến kế" giúp du lịch Bắc Giang phát triển.
Tin, ảnh: Công Doanh
Ý kiến bạn đọc (0)